Đang có những ý kiến tranh luận trái chiều về giá khởi điểm đợt bán đấu giá công khai 53,59% cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) được công bố ngày 29-11-2017 ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu. Hầu hết các tổ chức đầu tư đều cho rằng giá khởi điểm quá cao, xét trên các tiêu chí tài chính cơ bản, P/E của Sabeco tới 50 lần, gấp đôi của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và trên thế giới. Liệu Nhà nước có thoái vốn thành công lần này?
Những chốt chặn
Chốt chặn đầu tiên: 320.000 đồng/cổ phiếu là mức tối thiểu. Theo quy định, nếu vào ngày đấu giá (ngày 18-12-2017) giá sàn của SAB cao hơn mức trên, thì mức giá tối thiểu sẽ là giá sàn.
Thứ hai nếu nhà đầu tư mua thành công trên 50% cổ phần thì giao dịch phải được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đây là đối với nhà đầu tư nội địa, còn room ở Sabeco vẫn là 49%, mà hiện khối ngoại đang sở hữu 9,88% (dữ liệu của Hose đến ngày 1-12-2017), nên nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa 38,12% khối lượng chào bán.
Thứ ba, theo quy định, thông thường nhà đầu tư mua 25% cổ phần trở lên một doanh nghiệp niêm yết phải chào mua công khai (trừ khi đại hội đồng cổ đông có biểu quyết khác). Tuy nhiên với Sabeco lần này, việc chào mua công khai từ 25% cổ phần trở lên là không cần thiết, nhưng người tham gia đấu giá phải công bố bảy ngày trước phiên đấu giá. Thêm nữa, nhà đầu tư mua thành công 30% cổ phần SAB, thì giao dịch phải được Bộ Công Thương thông qua.
Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Sabeco trên sàn chứng khoán TPHCM. |
Những chốt chặn nói lên điều gì? Trừ khi có một tổ chức trong nước nào đó bỏ tiền ra mua 51% cổ phần đấu giá của Sabeco và giao dịch được Thủ tướng thông qua, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất với 36%, nắm quyền phủ quyết ở công ty bia chiếm thị phần lớn nhất nước này. Khả năng lớn đại diện Nhà nước vẫn nắm giữ vị trí then chốt như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Nhìn vào thị trường hiện nay, gần như không thể tìm ra ứng cử viên tổ chức nội địa nào có đủ chừng 5 tỉ đô la Mỹ tiền tươi thóc thật để sở hữu 51% cổ phần Sabeco cả.
Thoái vốn Sabeco sẽ mang về nguồn thu lớn cho ngân sách, gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017.
Trái với ý kiến của một bộ phận giới đầu tư ai sẽ mua cổ phần Sabeco với giá cao như vậy, đại diện Bộ Công Thương, cũng như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tỏ ra tự tin. Đại diện Bộ Công Thương cho biết nếu không bán hết lần này, thì mang về, tùy tình hình và xin ý kiến Chính phủ bán lần sau. Ngắn gọn, thông điệp của cơ quan quản lý là Nhà nước không vội, quan trọng là bán được giá, còn nếu không được giá sẽ bán lần sau, “cơm không ăn, gạo còn đó”.
Sự tự tin của Nhà nước không phải không có cơ sở. Sabeco về cơ bản hiện nay vẫn gần như là doanh nghiệp quốc doanh, quản trị chưa có nhiều thay đổi, nhưng kết quả kinh doanh vẫn tích cực. Ngoài ra, thị trường bia Việt Nam còn tiềm năng tăng trưởng, thị phần của SAB lớn nhất, doanh nghiệp bia ngoại nào muốn khai thác thị trường này, không có cách gì nhanh và ít tốn kém hơn là trở thành cổ đông của Sabeco.
Không có đường lùi
Quan sát kỹ, người ta dễ dàng nhận ra những ý kiến “chê” giá khởi điểm SAB cao phần lớn đều của những tổ chức có ý định hoặc có tiềm năng tham gia đấu giá. Họ đều muốn trở thành cổ đông Sabeco, vấn đề là ở mức giá nào.
Trước hết phải thấy SAB là cổ phiếu không thể thiếu trong danh mục đầu tư của các quỹ nội lẫn ngoại vì giá trị vốn hóa đứng thứ hai thị trường của nó, hiện chỉ sau Vinamilk. Các quỹ đầu tư bắt buộc phải có SAB trong danh mục nếu không muốn sự tăng trưởng của giá trị tài sản ròng (NAV) thấp hơn mức tăng chung của VN-Index. Đã có thời gian, như tháng 10-2017, một mình SAB giúp chỉ số tăng hàng chục điểm.
Hiện nay ngoài P/E cao, nhiều quỹ đầu tư còn băn khoăn liệu giá của SAB có tăng trưởng? Để trả lời câu hỏi trên, cần xem xét các khả năng. Thứ nhất khi trở thành công ty thật sự đại chúng, quản trị doanh nghiệp của Sabeco sẽ phải thay đổi, hiệu quả kinh doanh có thể được cải thiện mạnh. Sabeco cần lực đẩy và sức ép để tăng trưởng, mà cả hai thứ đều đến từ cơ cấu cổ đông mới.
Thứ hai về mặt kỹ thuật, một thị giá cổ phiếu thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho thanh khoản giao dịch của Sabeco tốt hơn. Kể từ lần IPO đầu tiên vào năm 2008 vốn điều lệ của SAB vẫn giữ nguyên 6.413 tỉ đồng. Không một công ty niêm yết nào cỡ như Sabeco mà mười năm vẫn giữ nguyên vốn điều lệ! Rất có thể sau khi Nhà nước thoái vốn lần này, SAB có thể tăng vốn lên gấp đôi, gấp ba thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2017, SAB đang có 7.266 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; 1.119 tỉ đồng quỹ đầu tư phát triển, đủ sức trả cổ tức bằng cổ phiếu 100%. Khi ấy thị giá cổ phiếu SAB sẽ về quanh 160.000 đồng. Trong trường hợp những năm kế tiếp, SAB vừa trả cổ tức bằng tiền, vừa bằng cổ phiếu 20%/năm như Vinamilk, thị giá của Sabeco sẽ còn tiếp tục biến động.
Hai yếu tố cải thiện hiệu quả kinh doanh và tăng vốn hoàn toàn nằm trong tầm tay công ty với một cơ cấu cổ đông mới. Nhìn từ đây các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tài chính, các doanh nghiệp bia ngoại không có đường lùi, họ sẽ tham gia đấu giá SAB.
Bối cảnh thoái vốn nhà nước ở Sabeco hiện nay đang thuận lợi cho Nhà nước. Thị giá SAB trên Hose khó có thể giảm sâu (trừ yếu tố bất khả kháng) do lượng cổ phiếu có thể giao dịch rất ít, chỉ khoảng 3,4 triệu đơn vị, mà các tổ chức trong nước cũng nắm giữ. Cầu nhiều, cung ít, trong khi giá cả diễn biến theo cung cầu.
Thoái vốn Sabeco sẽ mang về nguồn thu lớn cho ngân sách, gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017. Năm tới, nếu Nhà nước bán tiếp vốn ở Sabeco và Vinamilk và chỉ cần tại hai doanh nghiệp này với mức 36% cổ phần mỗi đơn vị còn lại, có lẽ cũng thu đủ tiền để trả nợ nước ngoài năm 2018 và tái cơ cấu nợ công theo chiều hướng tích cực. Rõ ràng, thoái vốn nhà nước đang là một trong những câu chuyện có tầm quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)