Giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và bắt nhịp với xu hướng số hoá ngân hàng, Sacombank đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không tiếp xúc. Thực tế, dịch vụ này được Sacombank triển khai từ năm 2017 với công nghệ Contactless, tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng này mới có cơ hội phát triển và mở rộng hơn.
"Thanh toán không tiếp xúc là xu hướng của tương lai, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, vừa an toàn vừa tiết giảm chi phí. Chúng tôi đặc biệt quan tâm trải nghiệm khách hàng nên ưu tiên đẩy mạnh các dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực cho người dùng", ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết.
Công nghệ chạm Sacombank Contactless
Năm 2017, Sacombank là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless) đối với thẻ Visa, sau đó, mở rộng với các dòng thẻ thanh toán nội địa và quốc tế. Theo đó, chủ thẻ đơn giản hóa quá trình thanh toán chỉ bằng thao tác chạm hoặc vẫy nhẹ thẻ trước màn hình máy POS. Do không dùng thẻ tiếp xúc trực tiếp vào thiết bị thanh toán và chủ thẻ vẫn giữ thẻ khi giao dịch cũng như không phải ký những hóa đơn có giá trị nhỏ nên thông tin về thẻ được bảo mật tối đa. Hiện tại, tất cả các dòng thẻ của Sacombank phát hành đều là thẻ chip Contactless.
Công nghệ thanh toán quét mã QR trên Sacombank Pay
Tháng 10/2017, Sacombank triển khai phương thức thanh toán nhanh bằng mã QR chuẩn EMV trên thiết bị di động tại các điểm chấp nhận thẻ Visa. Ngân hàng cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai hình thức thanh toán qua mã QR của tổ chức thẻ JCB.
Nhờ tích hợp công nghệ mới, ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay cho phép người dùng thanh toán quét mã QR tại bất kỳ điểm chấp nhận nào trên toàn cầu của các tổ chức thẻ Visa, Mastercard, JCB, UnionPay cũng như các điểm chấp nhận thanh toán nội địa của Napas, VNPAY.
Công nghệ Tap to phone dành cho đơn vị chấp nhận thẻ
Tháng 11/2020, Sacombank ra mắt giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (Tap to phone) kết hợp với giải pháp phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc (Rapid Seller Onboarding).
Công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động cho phép doanh nghiệp nhanh chóng biến chiếc điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán thay thế cho máy POS truyền thống, đáp ứng yêu cầu hiệu quả về chi phí và khả năng nhận thanh toán không tiếp xúc.
Khi kết hợp với giải pháp "Phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc", khách hàng có thể nhanh chóng đăng ký trực tuyến để trở thành đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ của ngân hàng trong vòng 5 phút.
Với hai giải pháp này, Sacombank đã ra mắt giải pháp trọn gói dành cho doanh nghiệp có nhu cầu triển khai thanh toán thẻ, góp phần thúc đẩy công tác số hóa tại các doanh nghiệp.
Công nghệ thanh toán NFC cho chủ thẻ
Cũng trong tháng 11/2020, Sacombank là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam ra mắt tính năng NFC - Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động trên ứng dụng Sacombank Pay dành cho chủ thẻ Visa. Công nghệ này biến điện thoại di động của khách hàng thành chiếc thẻ phi vật lý để thanh toán tại các máy POS hỗ trợ NFC hay điện thoại có tính năng Tap to phone, nghĩa là hai chiếc điện thoại, một dành cho chủ thẻ, một dành cho đơn vị chấp nhận thanh toán, có thể chạm vào nhau trong vài giây là hoàn tất một giao dịch thanh toán.
Công nghệ bảo mật trong thanh toán online
Đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, Sacombank áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ (tokenization). Nhà băng này cũng nâng cấp hệ thống bảo vệ đa cấp 3D-Secure phiên bản 1.0 lên phiên bản 2.0 theo tiêu chuẩn EMV cho các dòng thẻ Visa và Mastercard.
"Việc nâng cấp hệ thống nhằm tăng cường độ an toàn bảo mật đối với các giao dịch thẻ trực tuyến, đẩy nhanh tiến trình xử lý giao dịch, giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng hiện đại", đại diện Sacombank chia sẻ.
Ngân hàng này cũng triển khai cơ chế chống giả mạo trên ngân hàng điện tử, đồng thời trang bị công nghệ bảo mật IBM Trusteer dành cho thiết bị và điểm truy cập đầu cuối để tăng thêm lớp bảo mật cho các ứng dụng thanh toán.
Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Chiến lược của Sacombank là đi đầu về dịch vụ số nên việc đầu tư công nghệ tuy tốn kém nhưng cần thiết để thực hiện. Đầu tư về công nghệ sẽ giúp tạo thêm cơ hội kinh doanh, cơ hội tăng thêm doanh thu và tiết giảm các chi phí vận hành thủ công. Do đó, tuy tốn kém về chi phí đầu tư, nhưng các nguồn lợi có được trong tương lai sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận nhiều hơn".
Mặt khác, do hoạch định chi phí tốt, nên các khoản đầu tư về công nghệ không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tài chính của ngân hàng, mà ngược lại, công nghệ góp phần đem nhiều lợi ích thiết thực cho Sacombank như sự tin tưởng và gắn bó của khách hàng, sự tăng trưởng về doanh số thẻ...
Cũng theo vị đại diện này, công nghệ thanh toán thẻ ngày càng đa dạng với sự tham gia của ngân hàng lẫn Fintech. Công nghệ mới mang đến cho khách hàng nhiều lựa chọn, nhưng cũng khiến họ bối rối vì chưa biết công nghệ nào phù hợp.
"Do đó, dẫn đầu cần đi liền với định hướng hành vi khách hàng để tạo xu hướng phù hợp và phương thức thanh toán không tiền mặt rõ ràng cho từng phân khúc khách hàng cụ thể. Sacombank tự tin sẽ phát huy những ưu thế để góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người Việt", ông Nguyễn Minh Tâm khẳng định.
Thúy Ngà