Tối 24/6, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết từ ngày 27/6 sẽ chính thức tạm ngừng các hoạt động bơi, lặn biển ở một số khu vực trong vịnh Nha Trang, nhất là đảo Hòn Mun, cho đến khi có thông báo mới.
Quyết định này được đưa ra sau khi có phản ánh việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Rạn san hô chết trắng, phủ kín hàng trăm m2. Hệ sinh thái biển xơ xác, tan hoang.
Trong thời gian tạm ngưng lặn biển, các đơn vị chuyên môn có liên quan sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực có hệ sinh thái bị tổn thương. “Từ đó, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang phù hợp trong thời gian tới”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, việc tạm ngừng bơi, lặn biển áp dụng ở một số khu vực nhạy cảm tại Hòn Mun. Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường, du khách vẫn tham quan vịnh Nha Trang. Hiện, đơn vị đã thông báo tới người dân, du khách, các công ty lữ hành, doanh nghiệp chuyên về du lịch để nắm thông tin và thực hiện.
Vịnh Nha Trang có diện gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi này thu hút du khách, người đam mê lặn biển khi có các bãi lặn nổi tiếng, nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam.
Thời gian qua, san hô trong vịnh bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt tại khu Bảo tồn Hòn Mun, độ phủ san hô từ hơn 50% cách đây 7 năm, nay chỉ còn trên dưới 10%, tùy khu vực.
Liên quan tới vấn đề này, trong kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, rạn san hô ở vịnh Nha Trang giảm do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng hai cơn bão lớn vào năm 2019 và 2021. Hệ sinh thái ở vịnh biến đổi vì khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển sai quy định, xả thải trong du lịch...
Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt khu vực Hòn Mun. Các đơn vị liên quan phối hợp chuyên gia, viện nghiên cứu đánh giá đầy đủ thực trạng các rạn san hô ở vịnh, lập kế hoạch phục hồi.
Xuân Ngọc