Những ngày qua, người đam mê lặn biển đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh hệ sinh thái dưới đáy biển Hòn Mun trở nên tan hoang. Dưới đáy biển khu phía Đông Bắc, Tây Nam, hàng loạt san hô chết, phủ trắng một vùng rộng hàng trăm m2. Cảnh những đàn cá trước đây thường xuất hiện, bơi lội ở đây, nay không còn. Cạnh đó, nhiều san hô bị chết nổi lên mặt biển, theo sóng đánh dạt vào bờ.

Rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt - Ảnh: X.N

Hòn Mun nằm cách đất liền hơn 10 km, nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn Vịnh Nha Trang, rộng 160 km, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều điểm san hô…, là địa điểm thu hút khách tham quan ngắm đại dương, lặn biển. Tuy nhiên, san hô chết thời gian qua đã khiến nhiều người thấy xót xa, tiếc nuối.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, cho hay sau khi nhận phản ánh, đơn vị đã lặn biển khảo sát, kiểm tra, xác minh là khu bảo tồn biển Hòn Mun bị tàn phá. 

Theo ông Thái, nguyên nhân chính khiến san hô dưới đáy biển chết hàng loạt là do thiên tai, như trong cơn bão số 12, hồi năm 2021, đã làm hơn 80% san hô ở biển hư hại. Ngoài ra, các yếu tố khách cũng tác động tới việc này, như, tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái.

Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh. Ban quản lý vịnh ước tính mất chừng 10 năm mới phục hồi được các rạn san hô. Hiện, đơn vị này đang phối hợp với các viện nghiên cứu để có sự đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và lên kế hoạch phục hồi, bảo vệ rạn san hô ở Hòn Mun.

Trong khi đó, ngày 10/6, trao đổi với P.V VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói, san hô quý hiếm tại biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang bị “xóa trắng là vấn đề nghiêm trọng”. Bởi, để có một rạn san hô phải mất thời gian dài, có khi hàng nghìn năm, hay cả triệu trăm. Còn tình trạng san hô chết trắng như hiện nay là rất khó phục hồi, và việc phục hồi mất nhiều thời gian lẫn tiền bạc, có khi còn không thể phục hồi được.

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang bày tỏ, lý do mà cơ quan chức năng đưa ra về nguyên nhân khiến khu bảo tồn Hòn Mun rơi vào tình trạng như hiện tại là khá hợp lý. Song, ông cho rằng không thể đổ lỗi mãi cho thiên tai, địch hoạ, mà quên đi sự tác động rất lớn từ con người, chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, vì “hệ sinh thái trong vịnh Nha Trang đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế”.

“Để tìm ra được nguyên nhân của sự việc trên, cần có nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học”, ông An nói.

Còn TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang khi trao đổi với P.V cho biết, việc suy giảm rạn san hô có thể đánh giá từ nhiều nguyên nhân, như ô nhiễm môi trường từ các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tác động thiên nhiên như bão, lũ... Tuy nhiên, để xác định chính xác rạn san hô hay hệ sinh thái bị hủy diệt cần phải khảo sát, đánh giá trực tiếp, dựa vào số liệu, dữ liệu để chứng minh. “Hiện nay, thì chưa thể xác định được sự suy giảm hệ sinh thái tại khu bảo tồn là do thiên tai hay do con người”, ông Bền cho hay.

Xuân Ngọc