Viện Hải Dương học nằm trên đường Trần Phú, được thành lập năm 1923, là cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây lưu giữ khoảng 24.000 mẫu sinh vật biển với hơn 5.000 loài được thu thập gần 100 năm qua. Trong đó, bộ xương cá voi dài 18m, nặng gần 10 tấn, được khai quật tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (Nam Định ngày nay) năm 1994. Bộ xương được phát hiện khi đào kênh thủy lợi, bị vùi sâu dưới ruộng 1,2m và cách biển 4km theo đường chim bay.

Bộ xương lúc được phát hiện là một khối hỗn độn, bị vùi dưới đất chừng 200 năm, khiến nhiều mảnh xương bị mục. Cán bộ của Viện Hải Dương học phải hơn một tuần mới vận chuyển bộ xương về đơn vị. Các nhà khoa học, cùng nhiều nghệ nhân và họa sĩ cùng phối hợp phác họa bộ xương, lên phương án phục chế. Sau 6 tháng phục chế, đã hoàn chỉnh bộ xương cá voi, trưng bày tại bảo tàng Viện Hải dương học.

Người dân cùng du khách khi vào bên trong nhà trưng bày mẫu lớn sẽ thấy bộ xương cá voi. Để bảo tồn, duy trì bộ xương này, nhân viên của viện thường xuyên kiểm tra và làm vệ sinh.

Để phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, Viện Hải dương học ghi chú thông tin về lịch sử, giới thiệu bộ xương cá để người dân dễ tiếp cận.
Các đốt sống cùng phần thân dưới của cá voi lưng gù được phục chế lại, bảo tồn.

Bộ phận đầu và miệng của cá voi lưng gù sau bao năm vẫn lưu giữ. Những bộ phận này dùng khung để cố định lại.

Du khách tham quan, chiêm ngưỡng bộ xương cá voi.

Hai bạn trẻ chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm với bộ xương cá voi lưng gù. “Tôi khá thích nơi đây, bởi không chỉ tham quan, giải trí mà còn giúp có thêm nhiều kiến thức về các loài sinh vật biển lạ”, nữ du khách nói.

Ngoài bộ xương cá trên, bên trong nhà trưng bày còn nhiều mẫu khác. Một đứa trẻ đang tìm hiểu về hải cẩu. Hai con hải cẩu được đưa từ tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Bình về viện nuôi dưỡng, nhưng sau đó, chết không rõ nguyên nhân. Từ đó, các nhà khoa học đã giữ nguyên bản hai con vật này đưa vào trưng bày.

Tại viện Hải Dương học Nha Trang còn có hàng chục nghìn mẫu vật của các loài sinh sống dưới biển, và các loài sinh vật biển. Du khách đến Viện Hải dương học có dịp trải nghiệm cảnh thợ lặn xuống dưới các bể kính biểu diễn cùng các loài cá. Những người này phần lớn là các kỹ thuật viên tại viện, đảm nhận luôn công việc nghiên cứu, theo dõi các loài sinh vật tại bể.

Xuân Ngọc