Trong đợt khuyến mại lớn cuối cùng trước Tết nguyên đán, các trang thương mại điện tử đều ghi nhận sức mua tăng mạnh toàn sàn. Các mặt hàng liên quan đến Tết cổ truyền vẫn được ưa chuộng hơn cả.

{keywords}
Người dân sắm Tết online gia tăng do sàn thương mại điện tử tung chương trình kích cầu. (Ảnh: Hải Đăng)

Cụ thể, đợt mua sắm lớn của Tiki diễn ra từ 6-13/1, cao điểm là ngày 11/1. Chương trình vừa phục vụ đợt cao điểm sắm Tết, vừa kỷ niệm 12 năm thành lập sàn này. Theo thống kê, doanh thu ngày 11/1 tăng gấp 7 lần so với cao điểm sắm Tết năm 2021. Tổng số lượng đơn hàng toàn sàn dịp này cũng tăng gấp 3 lần.

Người mua chú trọng hơn đến thời gian giao hàng cũng như chất lượng hàng hoá khi sắm Tết. Cụ thể, số lượng đơn hàng giao nhanh tăng gấp đôi, số đơn hàng chính hãng tăng gấp 4 lần so với Tết năm ngoái. Ngoài ra, người dùng cũng sử dụng mã giảm giá nhiều hơn, gấp 4 lần so với trước.

Trong đợt cao điểm này, đơn hàng có giá trị lớn nhất là 230 triệu đồng.

Thống kê của Lazada cũng cho thấy người dùng tập trung mua hàng chính hãng nhiều hơn. Chương trình của sàn này kéo dài từ 5/1 tới ngày 14/1, ghi nhận doanh thu, số lượng khách hàng và số lượng đơn hàng trên gian hàng chính hãng (LazMall) tăng gần gấp 2 lần so với lễ hội mua sắm Tết 2021.

Theo thống kê, các mặt hàng bán chạy nhất là khẩu trang, máy đo huyết áp và thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, các sản phẩm làm sạch và trang trí nhà cửa cũng được chọn mua nhiều, gồm: thiết bị, vật dụng hỗ trợ dọn dẹp, giặt ủi (cây lau nhà, nước giặt, nước xả vải), nội thất (nệm, ghế) cùng các sản phẩm đặc trưng cho Tết như phong bao lì xì.

Trước thềm Tết Nguyên đán cũng là thời điểm người tiêu dùng có xu hướng mua sắm các sản phẩm thời trang, làm đẹp nhiều hơn ngày thường để chăm sóc và làm mới bản thân. Trong đó, son môi, nước tẩy trang, áo dài, trang phục đón Tết và túi xách là các sản phẩm ghi nhận số lượng bán ra tăng cao.

Một số thông tin thú vị cũng được Lazada thống kê lại: Cứ mỗi 2 phút lại có một chiếc áo dài được bán ra; Số lượng đồng hồ thông minh bán ra đủ cho 1 người dùng xuyên suốt 99 mùa Tết tiếp theo mà không cần sạc lại; Số lượng đồ ăn và nước uống bán ra đủ để tổ chức 1 triệu buổi tiệc tân niên; Số lượng móc áo bán ra đủ để dùng cho hơn 400 buổi biểu diễn thời trang áo dài; Số lượng thẻ nạp điện thoại bán ra đủ để gửi tin nhắn chúc Tết đến 1/10 dân số Việt Nam.

Mặc dù chương trình ưu đãi lớn của các sàn đã kết thúc, song những đợt giảm giá theo ngày giờ, theo mặt hàng cũng đang được tổ chức thường xuyên nhằm lôi kéo khách hàng vào dịp cuối năm.

Trước đó, Kantar dự báo xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 cho thấy, người dân Việt Nam có nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh hơn so với năm 2021 bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Cụ thể, tỷ lệ chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh dịp Tết 2022 có thể tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy lo ngại tác động của dịch bệnh khiến người dân đang mua sắm Tết sớm hơn so mọi năm. Theo đó, 44% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mua sắm cho dịp Tết sớm hơn 5-6 tuần trước Tết bởi nhiều lý do: tâm lý háo hức đón Tết sau một năm dịch bệnh, tận dụng mua sắm liền mạch từ Tết Dương lịch hay lo sợ dịch bệnh bùng phát gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa...

Trong bối cảnh đơn hàng thương mại điện tử gia tăng, các đơn vị vận chuyển cũng buộc phải tăng cường hiệu suất hoạt động. Ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu của J&T Express Việt Nam, cho biết do dự báo nhu cầu tăng cao của thị trường nên đã có những bước chuẩn bị rất mạnh về hạ tầng xử lý đơn hàng cũng như đội ngũ nhân viên giao nhận.

Hải Đăng

Người dân lên mạng sắm đồ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cá nhân chuẩn bị đón Tết

Người dân lên mạng sắm đồ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cá nhân chuẩn bị đón Tết

Trong lễ hội mua sắm Tết trên thương mại điện tử, người dân đang tập trung mua những mặt hàng chăm sóc cá nhân và dọn dẹp nhà cửa, để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.