Payoo, nền tảng thanh toán phổ biến tại Việt Nam, cho hay trong giai đoạn cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nên tổng mức chi tiêu mua sắm ghi nhận qua nền tảng này tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức thanh toán khác nhau. Trong đó, trả góp đang là một trong hai phương thức thanh toán được ưa chuộng hơn cả (hình thức còn lại là thanh toán QR Code).
Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của giao dịch trả góp đạt mức tăng trưởng hơn 50%/tháng.
Theo Payoo, trả góp được ưa chuộng vì đây là phương thức thanh toán tiện lợi, chia nhỏ tổng số tiền thành nhiều kỳ khác nhau giúp người dùng linh hoạt quản lý tài chính cá nhân. Số lượng doanh nghiệp áp dụng thanh toán trả góp cũng gia tăng đáng kể khiến hình thức này ngày càng phổ biến.
Nhiều người ưa chuộng mua hàng trả góp vì không phải thanh toán một lần một khoản tiền lớn. (Ảnh: Hải Đăng) |
Trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ, mua hàng trả góp chiếm từ 20-30% tổng doanh thu. Trong đó, các chuỗi đều ghi nhận sự gia tăng hình thức mua trả góp giai đoạn cận Tết.
Bà Đặng Thị Minh Ngà, Giám đốc khối sản phẩm – dịch vụ khác của FPT Shop, cho biết, số lượng khách hàng mua trả góp ước tính là 20% - 30% trên tổng số giao dịch mua hàng. Tỉ lệ này giảm trong giai đoạn dịch (xuống còn 15% - 20% ở quý 3/2021) nhưng tăng trưởng mạnh mẽ lại sau dịch (quý 4/2021).
Các giao dịch trả góp phổ biến ở những phân khúc giá 7-10 triệu và trên 15 triệu đồng. Đây vẫn là hai phân khúc giá phổ biến nhất, chưa có chuyển biến nhiều lên phân khúc cao hơn hoặc thấp hơn.
Do sự dễ dàng và tiện lợi của phương thức trả góp nên nhiều khách hàng chọn nâng cấp lên phân khúc sản phẩm cao hơn so với dự tính ban đầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt - CEO Di Động Việt, khoảng 25% trong số khách hàng mua trả góp có xu hướng dịch chuyển lên phân khúc cao hơn. “Ban đầu khách hàng muốn mua điện thoại ở tầm trung hay cận cao cấp, nhưng khi tận dụng hình thức trả góp ,họ nâng lên các sản phẩm đắt tiền hơn. Thông thường những khách hàng này có khả năng mua thẳng ngay một model phân khúc thấp hơn”, ông Đạt chia sẻ.
Theo bà Ngà, nhiều người ưa chuộng hình thức trả góp vì có thể sở hữu ngay sản phẩm yêu thích mà không cần trả 100% giá máy từ đầu, chứng từ đơn giản.
Hiện nay có hai hình thức trả góp: qua thẻ tín dụng hoặc qua công ty tài chính.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi CellphoneS, khi trả góp qua công ty tài chính, khách hàng cần cung cấp CMND bản gốc và một số thông tin về thu nhập, số điện thoại tham chiếu người thân,… để được xét duyệt hồ sơ. Hồ sơ sẽ được thẩm định và xét duyệt dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng
Trả góp qua công ty tài chính có mức lãi suất trung bình 1,66%/tháng với kỳ hạn trả góp 6-9-12 tháng. Đặc biệt một số sản phẩm của Oppo, Samsung được các công ty tài chính áp dụng lãi suất 0%. Lúc này khách hàng cần trả trước 30-50% giá trị sản phẩm, kỳ hạn 4-6-8 tháng.
Đối với hình thức trả góp qua thẻ tín dụng, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng “quẹt” thẻ một lần, sau đó khoản tiền được chia nhỏ theo kỳ hạn đã đăng ký (3-6-9-12 tháng).
Khách hàng cũng có thể đăng ký trả góp online trên website của nhà bán lẻ với 2-3 thao tác đơn giản mà không phải ra cửa hàng. Phương thức này đang được sử dụng nhiều trong thời điểm gần đây.
Tại CellphoneS, tỉ lệ khách hàng trả góp khoảng 20%, trong đó khoản góp bằng thẻ tín dụng chiếm 12%. Trả góp qua thẻ tín dụng có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây do khách hàng có thể thanh toán trả góp online mà không cần ra cửa hàng. Thêm vào đó, hiện nay nhiều ngân hàng có các chương trình ưu đãi mở thẻ và trả góp 0%, dẫn đến việc một người có thể sở hữu 1-2 thẻ tín dụng.
Ngược lại, trả góp qua công ty tài chính đang giảm dần so với năm 2020 vì khách hàng không thể thực hiện trả góp online mà phải ra cửa hàng để hoàn tất hồ sơ.
Trong một số chương trình, khách hàng tham gia trả góp thậm chí còn nhận được thêm ưu đãi so với mua trả thẳng, do các ngân hàng kết hợp với nhà bán lẻ để ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng.
Hải Đăng
Thanh toán kỹ thuật số, mua bán online tăng mạnh cuối năm
Mua sắm online và thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng giai đoạn cuối năm cho thấy người dân vẫn giữ thói quen vốn đã hình thành trong giai đoạn giãn cách.