Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sản xuất an toàn và có an toàn mới sản xuất, thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800 để đưa ra các phương pháp, biện pháp hết sức cụ thể trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

Theo đó, kế hoạch chống dịch của chúng ta trong giai đoạn tới là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát được dịch bệnh. Cơ quan nhà nước sẽ đưa ra các định hướng tổng thế trong công tác phòng chống dịch để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Thứ hai, chúng ta đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, trong kế hoạch tổng thể, định hướng phân cấp, phân quyền một cách triệt để cho các tỉnh, thành phố để các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch cũng như chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ với năng lực và tình hình thực tế tại địa phương.

"Với chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là với kế hoạch phòng chống dịch mà Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cho rằng kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong. Đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh đánh giá, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các doanh nghiệp tại  TP.HCM đã có những định hướng cũng như UBND Thành phố có ngay các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11 về các phương án phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong phòng chống dịch thời gian tới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM thời gian vừa qua, có đến 1.000 doanh nghiệp đã được thẩm tra, thẩm định các phương án sản xuất an toàn và đồng thời thực hiện các quy định tại nơi làm việc.

Mặc dù có những trường hợp mắc nhiễm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp nhưng tỉ lệ trường hợp tiếp xúc gần các trường hợp này sau đó ghi nhận trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ 10%. Điều đó cũng cho thấy các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp đã được đảm bảo để môi trường sản xuất an toàn thời gian vừa qua.

{keywords}
Sản xuất an toàn trong đại dịch

Bà Lương Mai Anh đánh giá, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì doanh nghiệp được hoạt động trong tất cả các cấp độ dịch nhưng phải đảm bảo thực hiện các kế hoạch cũng như các phương án phòng chống dịch.

Để hoạt động trong tình hình hiện nay, rõ ràng các doanh nghiệp phải chủ động các phương án phòng chống dịch của mình. Trong phương án phòng chống dịch, doanh nghiệp phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống khi có ca mắc mới.

Vấn đề thứ hai là phải tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp. Tiếp đó cần đưa những quy định này thành nội quy, quy định quy trình của doanh nghiệp để người lao động phải tuân thủ. Bên cạnh đó, phải có cơ chế thẩm tra, giám sát, xử phạt đối với người lao động nếu họ không tuân thủ những quy định tại nơi sản xuất về phòng, chống dịch. Đây là điều doanh nghiệp cần lưu ý.

Một vấn đề nữa là vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường. Khi doanh nghiệp chủ động trong công tác này và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp sẽ yên tâm và tránh việc giấu bệnh, gây lây lan cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Đối với chính quyền địa phương, cần phải có những tổ tư vấn để tư vấn cho các doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời địa phương cần phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực tế ở doanh nghiệp và phải có chế tài xử phạt những cơ sở thực hiện không nghiêm những quy định này và làm lây lan dịch bệnh cho doanh nghiệp và lây lan cho cộng đồng, ảnh hưởng thiệt hại tới cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất trong tình hình mới

Về phía đại diện doanh nghiệp, PGS.TS Trần Hoàng Ngân Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, các doạnh nghiệp phải củng cố lại y tế cơ quan. Cần quan tâm củng cố, đầu tư nhiều hơn nguồn lực cho y tế cơ quan. Đó là điều rất cần thiết để nâng cao, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ người lao dộng

Khi phát hiện ra ca F0, các doanh nghiệp hiện nay không còn lúng túng. Tuy nhiên, ở khu công nghiệp phải có trạm y tế để tạm thời cách ly ca F0 đó ra khỏi vùng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xe để đưa F0 về khu cách ly bên ngoài hoặc cách ly tại nhà, hạn chế F0 tự đi về nhà, tư di chuyển trên đường phố. Đây là điều lo lắng nhưng thời điểm vừa qua, các doanh nghiệp của TP.HCM đã làm tốt việc hỗ trợ cho các ca F0.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn kiến nghị, nên có bệnh viện dã chiến ở các khu công nghiệp khi có khu công nghiệp có tới hàng trăm, chục nghìn nghìn lao động. Chủ trương đã được thông qua, việc này rất quan trọng. Người lao động ở các khu công nghiệp khi bị F0 thì tâm lý rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. Khi có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp sẽ khiến họ rất yên tâm.

Một kiến nghị nữa là số lượng người lao động ở khu nhà trọ tương đương với số lao động ở khu công nghiệp. Do đó, tại địa phương, ngoài y tế lưu động cho dân thì khu nhà trọ 500-2.000 người lao động tập trung cũng cần được đảm bảo về y tế. Nếu có y tế lưu động ở ngay trong khu công nghiệp thì sẽ khiến họ yên tâm, bớt hoang mang.

Bên cạnh đó, ông Việt Anh cũng kiến nghị nên dùng một từ khác nhẹ nhàng hơn để thay cụm từ “khu cách ly” và “bệnh viện dã chiến” tránh những tác động tiêu cực, sao cho người lao động cảm thấy họ đi khám sức khoẻ, hoặc điều trị tăng cường. 

Nguyễn Liên