Đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện đánh giá DTI với 177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, thời gian qua phường đã đẩy mạnh thực hiện các nội dung chuyển đổi số.
Nổi bật là phường tổ chức các cuộc họp “không giấy tờ”. Qua đó giảm các văn bản hành chính, tăng hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, phù hợp với xu hướng chính quyền số, tạo lập môi trường, phong cách làm việc ngày càng công khai, minh bạch. Ka Long là một trong những phường, xã đi đầu trong tỉnh tổ chức họp "không giấy tờ”, được tỉnh đánh giá cao.
Tỷ lệ ban hành văn bản điện tử của phường đạt 98%. Năm 2023 hệ thống đã tiếp nhận, xử lý 969 văn bản đến, phát hành 524 văn bản đi. Ka Long được đánh giá là một trong những phường đi đầu trong dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023 phường đã giải quyết gần 2.850 hồ sơ (90,7%). Để có được kết quả trên, thời gian qua, phường đã cử Đoàn Thanh niên phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản và nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.
Phường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công và trong nhân dân. Phường chỉ đạo Đội Thuế số 2 phối hợp với Đoàn Thanh niên tích cực tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử; cài đặt và tải ứng dụng nộp thuế điện tử trên điện thoại thông minh. Đến nay có 325 hộ kinh doanh (100%) có mã QR thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; 79 hộ tiểu thương trong chợ Ka Long sử dụng QR thanh toán (93%).
Phường thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, đến tận nhà hướng dẫn cho người dân, hộ kinh doanh về kỹ năng số. Bà Bùi Thị Dần, chủ cơ sở chế biến giò chả Quang Dần (phường Ka Long), chia sẻ: "Tôi được Đoàn Thanh niên hướng dẫn đưa các sản phẩm lên các trang thương mại điện tử như Ocopquangninh, Tiki.. , trang mạng xã hội. Nhờ vậy sản phẩm của tôi tiếp cận được nhiều khách hàng. Mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 40-50kg giò, chả".
Phường tiên phong triển khai gắn mã QR-code tại Cột mốc 1368, Đền Xã Tắc, Đền Thác Mã Đại Vương. Qua đó giúp du khách và nhân dân dễ dàng truy cập tìm hiểu đầy đủ các nội dung về tư liệu, hình ảnh, video giới thiệu tổng quan về các địa chỉ đỏ.
Bà Bùi Thị Thúy Nga, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ka Long, cho biết: Thời gian tới phường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, phổ biến, chuyển tải các thông điệp thiết thực, gần gũi, kỹ năng số cơ bản thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNelD, thanh toán điện tử, sử dụng các ứng dụng thông minh.
Đồng thời duy trì thực hiện số hóa và ký số hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp. Hằng năm phường dành nguồn kinh phí từ ngân sách và vận động xã hội hóa để mua sắm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyển đổi số.
Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)