LTS: Phát biểu tại hội nghị đối thoại với Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố diễn ra sáng 9-8 về việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: 

“Thành phố có 1 đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Để thực hiện, tới đây, thành phố sẽ xây dựng Đề án cụ thể, thống kê từng đơn vị địa phương cụ thể theo 2 tiêu chí cứng là dân số, diện tích và xem xét tiêu chí thứ ba - tiêu chí vô cùng quan trọng là yếu tố văn hóa, lịch sử. Đây cũng là tiêu chí có trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như quận Hoàn Kiếm có từ thời vua Lý Thái Tổ, có những yếu tố văn hóa, lịch sử rất đặc thù, nên tinh thần chỉ đạo của thành phố là sẽ bảo vệ quan điểm giữ ổn định nhưng các minh chứng phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục. Còn với các xã, phường - nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù thì cũng phải thuyết minh, thuyết phục; còn lại phải thực hiện theo đúng quy định”.

Trên tinh thần giữ nguyên quận Hoàn Kiếm như Bí thư Hà Nội đã nói, Tuần Việt Nam thử đề xuất một giải pháp cho việc mở rộng quận Hoàn Kiếm bằng sáp nhập với một quận khác, để cùng thảo luận và tìm giải pháp.

Theo Nghị quyết số 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính", thì quận Hoàn Kiếm của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập vì diện tích tự nhiên quá nhỏ, chỉ có 5,29 km2, hay chỉ đạt có 10,6% so với chuẩn tối thiểu do Quốc hội qui định là 50 km2, dù có nhiều tiêu chí đạt chuẩn ở mức độ cao.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất so với tất cả các quận của Hà Nội thì người dân trong quận và cả Thủ đô đã biết từ lâu, nhưng đành chịu, phải chấp nhận.

Lịch sử của Hoàn Kiếm

Trong lịch sử nghìn năm văn hiến của mình, phố cổ Thăng Long thành đã đặt nền móng cho sự phát triển của Kinh đô nước Việt với tên gọi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm ngày nay là vùng đất của huyện Thọ Xương cuối thế kỷ 19.

Khi người Pháp đặt Hà Nội làm thủ phủ của Toàn quyền Đông Dương thì địa bàn phía Nam hồ Hoàn Kiếm được xây dựng, phát triển thành khu đô thị mới theo kiểu phương Tây, ngày nay gọi là Khu phố cũ với Nhà hát lớn, Trường đại học Tổng hợp, đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,... để phân biệt với Khu phố cổ gồm Hàng Ngang, Hàng Đào...

Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất so với tất cả các quận của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, khu vực Hoàn Kiếm bao gồm Khu phố Hoàn Kiếm, Khu phố Đồng Xuân, Khu phố Hàng Cỏ, Khu phố Hai Bà. Sau Hiến pháp năm 1981, các khu phố này hợp thành quận Hoàn Kiếm cho tới ngày nay.

Để mở rộng không gian phát triển, quận Hoàn Kiếm chỉ có mỗi một hướng là vượt qua đê sông Hồng, sử dụng bãi cát Phúc Tân cho những công trình ngắn hạn. Từ khi thực hiện công cuộc Đổi Mới, quận Hoàn Kiếm buộc phải chọn không gian phát triển của mình là dùng công trình cao tầng thay thế cho các công trình thấp tầng đã có từ trước.

Đặc quánh không gian phát triển

Người dân trong quận cam chịu thực trạng “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” biết bao lâu nay.  

Sự lựa chọn cực chẳng đã này đã làm cho tình trạng chắp vá không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực kiến trúc mà lan sang nhiều lĩnh vực khác như vỉa hè cho người đi bộ hầu như bị chiếm dụng; đường trong phố luôn trong tình trạng quá tải; khu vực danh thắng Hồ Gươm không sao ngăn chặn được nạn xâm lấn kể cả từ khu vực tư nhân đến khu vực Nhà nước; qui hoạch, kế hoạch dãn dân phố cổ thực hiện nhọc nhằn chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.

Xây dựng bãi đậu cho ô tô đã không ít lần hạ quyết làm bằng được nhưng cũng chẳng được bao nhiêu; nhà vệ sinh công cộng cho khách vãng lai tuy đã làm nhưng có cũng như không; phụ huynh tìm nơi cho con vào nhà trẻ, trường mẫu giáo còn khó hơn vào trường đại học.

Đất đai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm khan hiếm lên đến cực độ, được mua bán với giá ngất ngưởng “vàng bạc, kim cương”. Quản lý Nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm căng như giây đàn trên mọi lĩnh vực từ thương mại, dịch vụ đến giao thông, xây dựng, văn hóa, nghệ thuật, trật tự, an toàn xã hội;...

Có vẻ như đã có lời nguyền rằng sông Hồng là giới hạn không được vượt qua của quận Hoàn Kiếm. Bởi thế, cầu Long Biên, cầu Chương Dương đều chia đôi, một cho quận Hoàn Kiếm, một cho quận Long Biên. Thậm chí phần sông Hồng ôm gọn vị trí phía Đông của quận Hoàn Kiếm cũng bị phân làm hai với ranh giới giữa sông, bên này thuộc quận Hoàn Kiếm, bên kia thuộc quận Long Biên.

Cám cảnh cho sự phân chia này khiến người dân quận Hoàn Kiếm rất mê ca khúc “Đôi bờ” ra đời từ nước Nga, tuy xa xôi nhưng nói lên được lòng mình, rằng “đôi bờ đâu cách xa”.

Đúng vậy, đã đến rồi thời điểm vô hiệu hóa lời nguyền về giới hạn không gian phát triển của quận Hoàn Kiếm khi Quốc hội chỉ ra đúng tử huyệt của lời nguyền: đó là diện tích tự nhiên của quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 10,6% so với chuẩn mực tối thiểu của một quận trong cả nước.

Đất đai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm khan hiếm lên đến cực độ, được mua bán với giá ngất ngưởng “vàng bạc, kim cương”. Ảnh: Thạch Thảo

Không xóa bỏ được tử huyệt này, quận Hoàn Kiếm sẽ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình cả nước tiến lên thịnh vượng 2025 - 2030 - 2045. Chủ trương rất đúng đắn khi Quốc hội đặt ra yêu cầu “Sáp nhập quận Hoàn Kiếm”.

Về vấn đề này, Thành phố Hà Nội tự quyết định còn khó, nói chi đến quận Hoàn Kiếm.

Đây rõ ràng là Quốc hội đã trao cho quận Hoàn Kiếm chìa khóa vàng để mở cửa tiến vào tương lai.

Từ khi chủ trương này được phát ra, không chỉ người Hoàn Kiếm, người Thủ đô, mà người cả nước đã quan tâm, trong đó có người nhất trí, có người đồng tình, có người phân vân, có người không cho là cần thiết.

Không có gì khó hiểu trước sự phân tâm, phân cực này trước một chủ trương nghìn năm có một về quận Hoàn Kiếm, nhất là phương án sáp nhập còn chưa được công bố, thậm chí còn đang được khởi thảo.

Kiến nghị giải pháp cho Hoàn Kiếm

Sẽ là thiết thực hơn nếu đóng góp được gì  vào sự hình thành phương án sáp nhập này. Xin nêu bốn điểm đóng góp sau đây.

Thứ nhất, sáp nhập quận Hoàn Kiếm phải đảm bảo “nguyên đai, nguyên kiện” của quận này, nghĩa là không xé lẻ ra nhiều phần để sáp nhập vào nhiều quận khác. Sáp nhập nhưng vẫn giữ nguyên vẹn quận Hoàn Kiếm.

Thứ hai, quận Hoàn Kiếm hiện đang liền kề với quận Ba Đình, quận Đống Đa, quận Hai Bà, quận Long Biên. Việc quận Hoàn Kiếm sáp nhập với một trong bốn quận trên một mặt phải đảm bảo cho quận Hoàn Kiếm có thêm nhiều không gian để phát triển toàn diện, hiệu quả; mặt khác không được làm quá tải thêm không gian phát triển của quận cùng sáp nhập.

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm cần đảm bảo “nguyên đai, nguyên kiện” của quận này, nghĩa là không xé lẻ ra nhiều phần để sáp nhập vào nhiều quận khác. Ảnh: Hoàng Hà

Các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà đều là những quận thuộc nội thành Hà Nội từ hơn một trăm năm qua, diện tích cũng khá chật hẹp, tuy chưa tới mức như quận Hoàn Kiếm. Bởi vậy, quận Long Biên là đơn vị mới được thành lập từ ngày 6/11/2003 với diện tích 61km2, có chung một khúc sông Hồng và cầu Long Biên, cầu Chương Dương với quận Hoàn Kiếm nên hai đơn vị này sáp nhập với nhau thành một quận là phù hợp hơn cả.

Ước mơ về phát triển Hà Nội thành một thành phố hai bên sông Hồng đang manh nha hình thành. Nếu sáp nhập hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên thành một quận mới thì ước mơ trên sẽ được thực hiện sớm tại khúc sông Hồng chảy qua địa phận của quận mới này.

Thứ ba, khi hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên sáp nhập cùng nhau thì tên gọi của quận sau sáp nhập là vấn đề rất nhạy cảm. Về vấn đề này, việc sáp nhập tỉnh trước đây đã để lại nhiều kinh nghiệm quí như Hà Sơn Bình, Phú Khánh Ninh... Đọc tên là biết ngay đã có ba tỉnh sáp nhập cùng nhau, không đơn vị nào thôn tính đơn vị nào, nhất là về lịch sử, truyền thống, văn hóa...

Việc sáp nhập hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên cũng cần được chọn một danh xưng cho xứng tầm. Vừa như một thuận lợi, vừa như một định mệnh đã có từ trước, hai từ đầu của hai quận này nếu để bên nhau thì tạo ra một cặp từ có nghĩa sâu sắc, đó là Hoàn Long - Rồng trở lại - với sự hợp nhất của Hoàn Kiếm và Long Biên.

Nhớ lại chuyện xưa, vua Lý Công Uẩn đi thuyền tới sông Hồng, thấy Rồng bay lên thì cho rằng đây là miền đất hứa cho điều cường thịnh nên quyết định rời đô từ Hoa Lư về đây và đổi tên thành Đại La thành Thăng Long.

Còn vua Lê Lợi đi thuyền trên hồ Tả Vọng trong kinh thành Thăng Long sau khi đã đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, thấy Rùa Thần bơi bên thuyền liền dâng gươm thiêng trả lại cõi thần để toàn tâm toàn lực đưa giang sơn vào thời thái bình, an lạc. Nhà vua cho đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm. Tên sau sáp nhập của quận Hoàn Kiếm và Long Biên là Hoàn Long như đề xuất sẽ hứa hẹn điều cực thịnh cho quận mới này của Thủ đô trong tương lai.

Thứ tư, việc nhập hai quận tất nhiên dẫn tới việc phải sắp xếp lại cơ cấu của quận mới về nhiều phương diện, trong đó nổi lên hàng đầu là các đơn vị hành chính cấp phường.

Hiện tại, quận Hoàn Kiếm có 18 phường, quận Long Biên 14 phường, tổng cộng 32 phường. Trong những phường này chắc chắn có phường không đạt chuẩn về dân số, về diện tích,... nên phải thực hiện sáp nhập. Việc này tuy không được vội vàng, nhưng cũng không được trì hoãn để quận sau sáp nhập sớm đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.

Sáp nhập quận Hoàn Kiếm tưởng là điều không tưởng từ trăm năm qua, nhưng nay đã có chủ tương từ cơ quan cao nhất của Nhà nước. Việc sáp nhập này không chỉ đảm bảo sự thống nhất trong cả nước về tiêu chí tổ chức của đơn vị hành chính cấp quận, mà còn đáp ứng được ước mơ “thoát chật hẹp” về không gian phát triển của riêng quận Hoàn Kiếm.

Không có chủ trương này thì quận Hoàn Kiếm không có phương cách nào để thoát ra lời nguyền “không phát triển qua sông Hồng”.

Nếu không vượt qua được sự huyễn hoặc này thì quận Hoàn Kiếm đành an bài với chiến lược phát triển chắp vá, đành bị bỏ lại phía sau trong những thập kỷ tới khi cả nước đi tới thời điểm hóa Rồng.

TS Đinh Đức Sinh