Dưới sự chủ trì của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam báo Lao Động tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.
Theo BTC, sau gần 2 năm triển khai cùng với 2 chuyến đi thực tế cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi.
Trong đó, có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.
Các tác phẩm đều theo sát chủ đề cuộc thi là viết về công nhân, công đoàn, mang hơi thở của thời đại; phản ánh đúng những vấn đề của công nhân, người lao động và vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay.
Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm sinh động, trải dài trên khắp đất nước, đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương…
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên hội đồng Chung khảo đánh giá, viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, từ chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút về viết công nhân, người lao động.
Tuy nhiên, đề tài này một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Những cuộc thi như này sẽ khơi nguồn, là bệ phóng để có được những tác phẩm lớn”.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng vốn là một người lao động, từ thợ máy cho đến xây dựng và bây giờ là người cầm bút. Bà đã mơ ước viết về những người cùng khổ nhưng có những lúc muốn bỏ cuộc và từ cuộc thi này, bà có thêm động lực viết tiếp.
Sau thời gian làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi.
Tiếp đó, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất. Danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố tại Lễ trao giải ngày 26/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.