Với mục tiêu trở thành thủ phủ Bitcoin của Châu Âu, chính quyền thành phố Lugano (Thụy Sĩ) mới đây đã hợp tác với công ty phát hành stablecoin Tether để biến Bitcoin và Tether (USDT) trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp.
Lugano là thành phố lớn thứ 9 của Thụy Sĩ với dân số khoảng 62.000 người. Thành phố này nằm ở khu vực phía nam của Thụy Sĩ và sở hữu một cộng đồng dân cư chủ yếu là những người nói tiếng Ý. Đây cũng là nơi sẽ tổ chức Diễn đàn Bitcoin Thế giới (Bitcoin World Forum) vào tháng 10 tới.
Thành phố Lugano của Thụy Sĩ đang muốn biến tiền mã hóa trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp. |
Động thái mới của chính quyền thành phố Lugano đã vượt xa các địa phương khác tại Thụy Sĩ, những nơi từng chấp nhận việc sử dụng tiền mã hóa để thanh toán các khoản thuế. Ngoài ra, thành phố này còn phát hành một đồng tiền mã hóa riêng có tên là LVGA Points Token (LVGA).
Gần như tương tự với quốc gia Nam Mỹ - El Savador, bên cạnh việc chấp nhận nộp thuế bằng tiền mã hóa. chính quyền thành phố Lugano còn hướng tới mục tiêu làm sao để các doanh nghiệp tại đây có thể sử dụng tiền mã hóa cho các giao dịch hàng ngày.
Ngoài việc cho phép cư dân Lugano nộp thuế bằng tiền mã hóa, dự án sẽ mở rộng sang việc thanh toán vé đỗ xe, các dịch vụ công cộng và học phí cho sinh viên. Hơn 200 cửa hàng và doanh nghiệp trong khu vực này cũng dự kiến sẽ chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa cho hàng hóa và dịch vụ.
Tuy vậy, BTC, USDT hay LVGA chỉ có thể là phương thức thanh toán “không chính thức” tại Lugano, bởi theo luật pháp Thụy Sĩ, quốc gia này chỉ có một loại tiền tệ chính thức là đồng franc Thụy Sĩ (CHF).
Một chiếc máy ATM Bitcoin tại Thụy Sĩ. |
Để giúp thành phố phát triển thế mạnh về Blockchain, Tether cho biết sẽ lập một quỹ với quy mô 100 triệu CHF (gần 109 triệu USD) để tài trợ cho các startup tiền mã hóa tại đây. Bên cạnh đó, Polygon cũng sẽ tham gia phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán số tại thành phố này.
Trước đó, ngày 9/6/2021 đã đánh dấu một bước ngoặt của thị trường tiền mã hóa khi El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp.
Khác với các đồng tiền quốc gia được điều tiết bởi ngân hàng nhà nước, Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất kỳ một quốc gia hay tổ chức nào. Giá Bitcoin hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.
Điều này diễn ra trong bối cảnh phần lớn các quốc gia trên thế giới không công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp. Tâm lý người nắm giữ Bitcoin rất dễ bị tác động khi nghe thấy những thông tin bất lợi. Điều này phản ánh lên chính giá Bitcoin và tạo ra những biến động mạnh về giá của đồng tiền mã hóa này.
Với các nhà đầu tư tiền điện tử, họ có thể kiếm lời nhờ sự lên xuống giá của Bitcoin. Tuy nhiên, với những người coi Bitcoin như một phương tiện thanh toán, họ sẽ rất dễ gặp phải rủi ro bởi biến động giá quá lớn của tiền điện tử.
Do tính ẩn danh và phi biên giới của Bitcoin, nhiều quốc gia lo ngại đồng tiền kỹ thuật số này sẽ trở thành công cụ trốn thuế, rửa tiền của giới tội phạm. Bitcoin cũng có thể bị biến thành kênh tẩu tán tài sản an toàn của những quan chức tham nhũng.
Việc hợp pháp hóa Bitcoin như một phương tiện thanh toán vẫn là một đề tài hiện gây nhiều tranh cãi trên toàn cầu. |
Để giải quyết câu chuyện, các tổ chức tài chính và chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu việc phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC).
Đây là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng Trung ương phát hành. CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền điện tử và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi các ngân hàng Trung ương nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền điện tử. Quan trọng hơn cả, giá trị các đồng CBDC sẽ có độ ổn định cao khi được neo giữ với giá trị tương đương những đồng tiền pháp định trong thực tế.
Một cuộc khảo sát của Bank for International Settlements vào tháng 1/2021 cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng Trung ương được hỏi cho biết họ đang tham gia làm việc cùng với các đồng CBDC. Khoảng 60% các ngân hàng hàng Trung ương bỏ ngỏ khả năng sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có bao gồm việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Trọng Đạt
Startup Việt đạt giao kèo với gã khổng lồ Blockchain thế giới
Poriverse - startup game metaverse Việt Nam vừa công bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với chi nhánh của Polygon (MATIC), một trong những nền tảng Blockchain hàng đầu thế giới.