Nguồn tin cho biết, sau một loạt các trường hợp các lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí ra nước ngoài và ở lại bằng nhiều lý do khác nhau, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát việc đi nước ngoài của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành. Số lượng cán bộ doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh hiện nay không phải là con số nhỏ.


Từ khoảng một tháng gần đây, các nguồn tin cho biết, Bộ Công Thương đã có những động thái siết lại quản lý việc các lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty đi nước ngoài, công tác. Đồng thời, yêu cầu báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.

"Lãnh đạo cũng có yêu cầu quản lý chặt hơn việc sử dụng hộ chiếu của lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn", nguồn tin này cho biết.

Đặc biệt với riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các nguồn tin từ Bộ Công Thương và từ Tập đoàn này cho biết, cơ quan chức năng đã gửi một danh sách yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn này kiểm tra, rà soát, theo dõi và có biện pháp quản lý việc xuất cảnh với một số lượng cán bộ lãnh đạo của PVN và các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn này.

{keywords}

Những cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nói trên được cho là có liên quan đến những vụ việc mà cơ quan chức năng đang kiểm tra làm rõ như tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Công ty Hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PV-Tex)...với nhiều dự án liên quan như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học EThanol Phú Thọ, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II...

Trả lời câu hỏi của Dân trí là có bao nhiêu cán bộ doanh nghiệp thuộc dạng này đang bị hạn chế, tên tuổi, chức danh, nguồn tin của Dân trí không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết, đó là con số khá lớn. "Không thể tiết lộ cụ thể nhưng số người được yêu cầu theo dõi, kiểm soát không dưới 100 người", nguồn tin của Dân trí cho biết.

Như đã đưa tin, vừa qua đã có hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã có đi nước ngoài với nhiều lý do khác nhau: Xin đi chữa bệnh, xin đi học...có người được phép, có người không được phép nhưng vẫn đi và "một đi không trở lại".

{keywords}

Ông Lê Chung Dũng, nguyên là Phó Tổng giám đốc PVC dưới thời ông Vũ Đức Thuận (đã bị khởi tố, bắt tạm giam)

Gần đây nhất là ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc PV Power được xác định là lấy lý do nghỉ phép (đã được phép) đã đi ra nước ngoài từ 20/10/2016 đã ở lại nước ngoài với lý do theo học một khoá học lấy bằng MBA ở Singapore và không được phép của Tổng công ty, đã ở lại và hiện "không thể liên lạc được".

Ông Dũng bị nghi ngờ có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ở dự án đầu tư Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ mà Thanh tra Chính phủ đã làm rõ và chuyển cơ quan điều tra các dấu hiệu phạm pháp.

Một trường hợp khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ngày kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) sau khi ông này xuất cảnh hơn 1 tháng và chưa nhập cảnh trở lại.

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh hồi tháng 9 vừa qua bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố do tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh cũng đã từng là Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) trước khi chuyển về Bộ Công Thương, liên tục được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau rồi được thuyên chuyển về tỉnh Hậu Giang, làm đến chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh được cho là rời Việt Nam cuối tháng 7 khi gửi đơn đến Tỉnh uỷ Hậu Giang xin nghỉ phép từ 25 đến 29/7. Ngày 19/8, ông gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đó.

Trước đó nữa, năm 2012, ông Trịnh Xuân Thảo, cựu Giám đốc Công ty CP Thi công cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) đã bỏ trốn sang Mỹ và hiện vẫn trong danh sách truy nã quốc tế của Bộ Công an.

Theo nguồn tin riêng, một số cá nhân có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua cũng bị hạn chế xuất cảnh để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan chức năng. Một số tài sản lớn của gia đình ông Thanh như căn biệt thự tuyệt đẹp trị giá khoảng 100 tỷ đồng trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), theo như lời lãnh đạo thị trấn Tam Đảo tiết lộ, cũng được yêu cầu ngừng giao dịch làm giấy tờ sang nhượng trong thời điểm này.

Theo Dân Trí