Nếu chủ quan

Nói rằng vì chúng ta có phần chủ quan? Tôi nghĩ cũng không sai bởi cả năm trước, chúng ta đã làm rất tốt và hiệu quả trong phòng chống dịch khi vẫn hoàn thành nhiệm vụ kép với mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%.

Rồi cũng do mức độ lây nhiễm thấp nên tại các bệnh viện, tuy cũng rất vất vả đấy nhưng ngành y tế vẫn đủ sức chịu đựng, đủ nhân lực và thời gian để chữa trị thành công những bệnh nhân nặng như viên phi công người Anh.

Thật là may mắn cho kỳ nghỉ dài ngày dịp 30/4 và 1/5 đã không xảy ra họa lớn như Ấn Độ hoặc Indonesia. Hãy thử hình dung, dịp nghỉ lễ này, nếu như dịch bệnh bùng phát dữ dội do biến chủng Delta như bây giờ thì hậu quả sẽ thế nào?

{keywords}
Nhân viên y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng

Cũng may là dịp đó, chúng ta không vỡ trận khi thấy cảnh dòng người đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam) hay chùa Bái Đính (Ninh Bình) dự lễ hội. Nếu như có biến chủng mới thì có lẽ chúng ta cũng chao đảo như người Ấn Độ đổ về sông Hằng tắm gội.

Đến tận đầu tháng 3  vừa rồi, Ấn Độ vẫn có lý do để lạc quan về thành tích chống dịch khi số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia tỷ dân đã giảm từ 97.000 ca mới/ngày xuống còn chưa đầy 15.000. Họ là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin rất sớm so với thế giới.

Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan khi đó tuyên bố: "Chúng ta sắp đẩy lùi được dịch bệnh". Một số chuyên gia trong nước và cả WHO tin rằng Ấn Độ sắp đạt miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ tiêm chủng khá cao lúc đó.

Tuy nhiên, khi đối phó với loại virus liên tục đột biến khôn lường, sự lạc quan quá mức đã khiến Ấn Độ vượt mốc nhiễm đến con số 400.000 ca/ngày và khoảng 4.000 ca tử vong/ngày. Câu chuyện người dân (người nhà bệnh nhân) tranh cướp, giành giật nhau từng bình ô xy đã cho thấy ngành y tế nước họ đã phải nằm trong cơn hoảng loạn đến thế nào.

Indonesia khủng khiếp không kém, cũng chỉ từ những lễ hội tương tự đáng buồn mang lại. Chúng ta nhớ, chỉ một khoảng thời gian ngắn vào hồi tháng 5, Indonesia dường như đã thoát khỏi thảm cảnh tồi tệ của đại dịch Covid-19 khi số ca bệnh giảm mạnh so với đỉnh dịch tháng 2.  

Vậy mà, chỉ sau 2 tháng, tình hình Indonesia bất ngờ đi ngược lại. Mấy ngày qua, số người chết trên đất nước này thường trên 1.000/ngày.

Cũng có nước sản xuất ra vắc xin dư thừa, thế nhưng việc chặn dịch vẫn chưa hề bình yên. Lý do vì có nhiều người dân quá xem nhẹ chuyện tiêm chủng. Ví dụ như Nga, Mỹ… 

Theo thông tin mới nhất, hầu hết các trường hợp tử vong do Covid-19 ở Mỹ hiện nay đều nằm trong số những người không chịu tiêm vắc xin. Trong khi đó, tại một số bang khác ở Mỹ, do nhiều thống đốc đã làm tốt việc tuyên truyền tiêm chủng mà họ kiểm soát hiệu quả chuyện lây nhiễm.

Xem lại tờ giấy xét nghiệm

Việt Nam do chưa chủ động được nguồn vắc xin nên đang có sự bị động nhất định. Đây cũng không phải là lúc ngồi để trách cứ nguyên do từ đâu mà phải nhìn ra vấn đề rồi cùng chung tay tìm cách xử lý, ngăn chặn.

Chúng ta là nước từng làm tốt cả năm qua trong việc phòng chống dịch so với nhiều nước trên thế giới. Tôi tin rằng, sau những ngày bị “choáng”, chúng ta vẫn sẽ tự tin và đứng vững.

{keywords}
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm với người dân qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thanh Tùng

Vấn đề là phải mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn trong việc xử lý và không để dịch có “kẽ hở” chết người gây lây lan trong cộng đồng, nhất là biến thể mới khiến gần 80% người dương tính không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Ngành y tế mới đây đã quy ra "3 tầng" ứng với tình trạng bệnh lý để có phác đồ điều trị riêng biệt. Với phác đồ này, việc để F0, F1 cách ly tại nhà, theo tôi là hợp lý. Nó giúp giảm áp lực cho ngành y tế và các ngành chức năng.

Tôi đã để ý chuyện này rất lâu khi đọc báo thấy bên châu Âu và nước Mỹ khi “vỡ trận” cũng đã phải làm như vậy và rồi cũng vẫn ổn với 2 “tầng” điều trị: Có triệu chứng hoặc nhẹ, không có triệu chứng.

Tuy nhiên, với điều kiện sống của dân mình còn thiếu thốn, cần tính rất kỹ khi nào thì cho cách ly tại nhà. Đến lúc nào thấy cần phải đưa đến bệnh viện? Tức là vẫn cần có những trường hợp buộc phải để cách ly tập trung.

Một vấn đề nữa có lẽ cũng nên tính lại về cách chúng ta xét nghiệm Covid-19 hiện nay. Có gì đó khá nặng nề khi người dân lao động đã kiệt quệ về kinh tế trong cuộc mưu sinh khó khăn này. Người bình thường muốn đi lại làm ăn tốn khá nhiều tiền cho việc xét nghiệm khi chúng ta quy định giá trị của tờ giấy xét nghiệm chỉ đúng 3 ngày.

Dám làm và chịu trách nhiệm

Hôm 29/6, khi biết tôi là nhà báo, một số người lao động tại một xí nghiệp chế biến gỗ tại Lạng Sơn có “chát” với tôi và cho biết, họ làm công nhân tại huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Đây là vùng giáp ranh với huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Do hai đơn vị này là cùng một chủ nên tối về họ lại ở trên đất Bắc Giang và sáng hôm sau xe đưa rước công nhân lại đưa họ sang Hữu Lũng làm việc.

Lương của họ chỉ có 5 triệu/tháng, thế nhưng tính ra cứ 3 ngày phải lấy mẫu xét nghiệm/lần tại ngay chốt chặn giáp ranh của hai tỉnh và mất 240 ngàn/test nhanh. Tính ra, mỗi ngày mất 80 ngàn đồng chỉ vì chuyện xét nghiệm.

Họ nói họ đã được bên y tế Bắc Giang đã cho tiêm chủng vắc xin mũi 1 rồi nhưng vẫn phải xét nghiệm như mọi người khác. Tôi được vị Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn gọi cho hay rằng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Phương Thanh cho số máy của tôi để giải đáp trực tiếp. Vị Giám đốc Sở cho biết, việc xác định giấy xác nhận xét nghiệm chỉ có tác dụng 3 ngày cũng là quy định của ngành y tế mà tỉnh phải thực hiện. Trước đây, tỉnh này cũng quy định 7 ngày mới tái xét nghiệm.

Thế rồi đến ngày 2/7, người lao động nơi này báo tin vui cho tôi rằng, trạm chốt kiểm dịch vừa được gỡ bỏ và cảm ơn nhà báo.

Vậy thì việc này xuất phát từ đâu và có phải như thế là khoa học chưa hay cũng chỉ là mang sự định tính của mỗi nơi? Việc xét nghiệm đối tượng trong vùng dịch để ngăn chặn, để truy vết sớm là cần thiết. Thế nhưng tôi cảm thấy số tiền để thực hiện không hề nhỏ.

Trong khi trên thế giới, để giảm bớt khâu chờ nhận kết quả, người ta sử dụng máy “đo” hơi thở của Singapore sản xuất, sử dụng máy “soi” người đi qua cổng của Nga để có thể biết rất nhanh kết quả.

Tại sao chúng ta không nhập các thiết bị trên để giúp cho kết quả nhanh, tiết kiệm cho ngân sách và cho dân? Liệu có phải vì có những chuyện mua bán máy xét nghiệm theo lối không đấu thầu hồi đầu dịch đã khiến nhiều đơn vị ngao ngán, vướng tù tội. Họ sợ xảy ra tiêu cực như một vài bệnh viện nên không muốn mua sắm gì nữa cũng nên?

Sự thiếu quyết đoán và đôi khi khá lúng túng của các địa phương trong lúc khẩu hiệu của chúng ta là “chống dịch như chống giặc” phải chăng có gì đó chưa ổn ? 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo rằng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động sáng tạo trong cách làm và phải chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình, tránh đùn đẩy công việc lên trên.

Đã đến lúc chúng ta phải xem  và rất cần hành động mạnh mẽ, dũng cảm của mỗi người trong những cương vị khác nhau khi xử lý chống dịch hiện nay. Tôi tin rằng, với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, rồi chúng ta sẽ vượt qua dù vô cùng gian nan.

Quốc Phong

Mong nói tiếng của dân

Mong nói tiếng của dân

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 diễn ra với những nội dung quan trọng bao gồm bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội.