Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo lợi nhuận 10 tháng đạt trên 10,3 ngàn tỷ đồng và trở thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm 2019 là 10 ngàn tỷ đồng.
Đây cũng là mức lợi nhuận cao chưa từng có của Agribank.
Trong 9 tháng đầu năm, Agribank cũng bất ngờ ghi nhận lợi nhuận khủng và ngoi lên vị trí thứ 2, chỉ xếp sau Vietcombank (với lợi nhuận 17,6 ngàn tỷ đồng).
Agribank đã lên kế hoạch cổ phần hóa từ nhiều năm nay và dự kiến tới 2020 ngân hàng này sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Tình hình tài chính của Agribank được cải thiện mạnh mẽ những năm gần đây với nợ xấu giảm mạnh. Đây là nền tảng thuận lợi cho ngân hàng cổ phần hóa.
Tuy nhiên, cũng giống như các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh khác, Agribank gặp khó khăn trong việc tăng vốn vì hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Hiện tại, Agribank có vốn điều lệ hơn 30 ngàn tỷ đồng, thấp nhất trong 4 ngân hàng TMCP Nhà nước. Cách đây vài tháng, Agribank đã phát hành trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 7 năm, số lượng đăng ký chào bán là 5 triệu trái phiếu, tương đương 5 ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng Việt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Agribank đứng đầu thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn và đây được xem là một áp lực đối với ngân hàng này.
Hệ thống ngân hàng trong khoảng 2 năm gần đây có kết quả kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục, với lợi nhuận tăng vọt nhờ nợ xấu được xử lý dựa trên những chính sách hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, hệ thống ghi nhận có tới 17 ngân hàng báo lãi ngàn tỷ đồng với những gương mặt tiêu biểu như: Vietcombank, Agribank, Techcombank, VietinBank, MBBank, VPBank, BIDV, ACB, HDBank, VIB, Sacombank, TPBank...
Cả 2 tỷ phú sở hữu ngân hàng gồm: ông Hồ Hùng Anh (Techcombank), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (HDBank) đều nằm trong tốp trên.
Tổng lợi nhuận của nhóm này lên tới khoảng 4 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietcombank (VCB) ghi nhận lợi nhuận tăng vọt và là tổ chức tín dụng đầu tiên hướng tới mốc lợi nhuận tỷ USD.
Động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng vẫn còn khá lớn. Riêng Vietcombank, khoản 400 triệu USD mà đối tác bảo hiểm FWD chi trả cho thỏa thuận bancassurance nếu được hạch toán ngay thì lợi nhuận sẽ tăng vọt trong năm 2019, còn nếu phân bổ dần cho các năm thì cũng là một khoản rất lớn. Đó là chưa kể, 400 triệu từ đối tác Hồng Kông chỉ là khoản ký kết ban đầu, giá trị thu về từ thương vụ này có thể còn lớn hơn nhiều.
Những thông tin tích cực cho thấy nhiều khả năng, các ngân hàng sẽ tiếp tục có thêm một năm bội thu cho dù tăng trưởng tín dụng được kiểm soát khá chặt chẽ. Hoạt động thu hồi nợ xấu tốt nhờ Nghị quyết 42 của Quốc hội, nợ xấu ở mức thấp cũng như hoạt động dịch vụ tốt,... đã giúp các ngân hàng giảm chi phí, tăng thu nhập và qua đó ghi nhận lợi nhuận tăng cao.
Một nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập người dân cao hơn và dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh cũng giúp các ngân hàng bội thu trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại lớn dồn dập đổ vào lĩnh vực ngân hàng cũng góp các tổ chức tín dụng có quy mô và lợi nhuận bứt phá. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) vừa chính thức công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc sau thương vụ bán vốn có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực ngân hàng, trị giá hơn 20 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 26/11 chỉ số VN-Index tăng điểm khá tốt và đã chinh phực ngưỡng 980 điểm. Một số cổ phiếu blue-chips tăng điểm như Thế Giới Di Động, Sabeco, VietJet, Techcombank, Vietcombank, Vinhomes,...
Giới đầu tư lại kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được ký kết trước cuối năm nay.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo Rồng Việt, sau đợt giảm mạnh vừa qua, TTCK đã tạm thời dừng lại và bắt đầu có xu hướng hồi phục nhẹ. Tuy đợt hồi phục này được đánh giá phục hồi kỹ thuật và thiếu độ bền vững, do đó các nhà đầu tư cân nhắc giải ngân nhẹ hoặc cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, VN-Index giảm 1,43 điểm xuống 976,358 điểm; HNX-Index tăng 0,38 điểm lên 103,469 điểm. Upcom-Index giảm 0,35 điểm xuống 56,05điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng.
V. Hà