Tái cơ cấu SBIC gặp khó khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước không muốn tiếp nhận 73 công ty con của SBIC.
Chê "con" SBIC
Cụ thể, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC đã gửi 73 bộ hồ sơ doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với hi vọng SCIC sẽ tiếp nhận các đơn vị này nhằm làm giảm gánh nặng cho SBIC. Tuy nhiên, cho đến nay SCIC đã không tiếp nhận bất kỳ công ty con nào của SBIC do "không đủ điều kiện".
Thông tin trên TBKTSG cho biết, công ty duy nhất trong số đó mà SCIC để mắt tới là Công ty TNHH MTV đầu tư và xuất nhập khẩu Công nghiệp tàu thủy, nhưng những hồ sơ về đất đai, dự án đầu tư, nợ vay phải trả SBIC của nó lại chưa làm thỏa mãn SCIC.
Như vậy, danh sách 105 doanh nghiệp thuộc Vinashin phải thực hiện rút vốn thương hiệu bằng hình thức giảm vốn điều lệ theo Quyết định số 1224/QĐ-TTg, đến nay mới có 45 công ty hoàn thành yêu cầu này.
Hiện tại, kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty cũng mới chỉ dừng ở việc thành lập Ban chỉ đạo. Về phía Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phải tìm nhiều phương án “tái cơ cấu” nợ của SBIC trong khi Tổng cục Thuế cũng được yêu cầu xem xét tình trạng nợ của không ít công ty con của SBIC.
Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nhận xét rằng tiến độ tái cơ cấu của SBIC là “quá chậm, trong đó nguyên nhân là cách làm của SBIC và các bộ, ngành cũng như các cơ quan của Bộ còn chưa cương quyết, dứt điểm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2014”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ phải siết chặt hơn nữa công tác thực hiện tái cơ cấu SBIC.
Cụ thể, trong quý II/2014 phải thực hiện xong việc tái cơ cấu nợ cũng như xử lý dứt điểm việc rút vốn thương hiệu của các doanh nghiệp; tháng 4/2014 phải hoàn thành việc tái cơ cấu lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp của SBIC.
Điều gì xảy ra khi Vinashin thoát xác thành SBIC?
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo SBIC tập trung tái cơ cấu sản xuất và các công việc khác nhằm nhanh chóng ổn định, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên, lao động và phát triển sản xuất.
SCIC giải thể nếu 3 năm thua lỗ liên tiếp |
Trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC đã được Thủ tướng ký duyệt và có hiệu lực từ 6/8/2014 tới đây đã quy định rõ vốn điều lệ của SCIC lên tới 50.000 tỷ đồng, gấp 10 lần mức vốn ghi trong điều lệ năm 2005. Trong quá trình hoạt động, tổng công ty sẽ được tăng vốn nếu được Nhà nước cấp, tiếp nhận từ các công ty nhận chuyển giao...
Đồng thời, văn bản quy định rõ hơn về các trường hợp SCIC bị giải thể, phá sản. Ngoại trừ bị kết thúc thời hạn hoạt động hoặc việc duy trì công ty không cần thiết, SCIC sẽ phải giải thể nếu kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp, có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn Nhà nước hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm. Trước khi ngừng hoạt động, tổng công ty phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ở mức 50.000 tỷ đồng và được tiếp tục tăng trong thời gian hoạt động
SCIC sẽ bị giải thể nếu lỗ 3 năm liên tiếp
Hồi tháng 12/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, quy định đơn vị này này tiếp tục giữ vốn dài hạn tại 4 doanh nghiệp là Tổng công ty Tái Bảo hiểm quốc gia (VNREA), Viễn thông FPT (FPT Telecom), Dược Hậu Giang (DHG), Sữa Việt Nam (Vinamilk) và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp khác (chiếm hơn 1/3 số doanh nghiệp đã tiếp nhận vốn).
Theo tính toán, các doanh nghiệp được SCIC giữ lại đang là những khoản thu lớn nhất vì hàng năm mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, SCIC lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra 6%.
Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh, đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên trên thực tế trong lúc các hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vì không tiếp cận được vốn, SCIC lại mang vốn nhà nước là 19.600 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
(Theo Đất Việt)