Mới đây, trong buổi chia sẻ về xu hướng AI, robot trong thời đại mới và ứng dụng của AI trong giáo dục, ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc trải nghiệm công nghệ Tổ chức Giáo dục FPT, nhận định AI đang làm thay đổi trong từng ngóc ngách của cuộc sống.

Cụ thể, AI có thể giải mã được nhiều căn bệnh hiểm nghèo mà con người có thể phải mất 10-20 năm, thậm chí 30 năm mới nghiên cứu được. Hay những công trình nghiên cứu trong hàng trăm năm cũng có thể rút ngắn chỉ còn 5-10 năm. Thậm chí nhờ AI, con người có thể tái tạo lại được những sinh vật đã tuyệt chủng.

Cũng nhờ AI, một người trẻ chưa từng học ngành Kiến trúc có thể tự thiết kế nên một công trình; một người chưa từng viết code cũng có thể viết được một ứng dụng hay chương trình học tập. Các thiết bị trong tương lai đều có thể trò chuyện cùng con người, chẳng hạn chỉ cần một chiếc áo cũng có thể khám chữa bệnh, thay vì phải tìm tới một bác sĩ điều trị nội trú hay một bác sĩ gia đình.

“AI có thể giúp mọi người vẽ ra giấc mơ, tạo ra một khu rừng hay tạo ra các bản hùng ca dễ dàng chỉ bằng một câu lệnh hoặc một đoạn hội thoại. AI đã thay đổi cách chúng ta học, không chỉ về nghệ thuật, âm nhạc mà còn cả về những kiến thức loài người đã tích lũy hàng nghìn năm.

Cuộc cách mạng AI sẽ làm thay đổi cuộc sống, từ nông nghiệp cho đến y tế bằng các con robot. Thực tế, robot đang đi từ các nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ văn phòng cho đến các gia đình. Trong tương lai gần, những con robot dạng chó, mèo cũng sẽ được đưa vào cuộc sống”, ông Tuấn nhận định.

nmt02278.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ về xu hướng AI, robot trong thời đại mới và ứng dụng của AI trong giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, ông Tuấn cũng nhận thấy có nhiều sự thay đổi nhờ AI. Bởi lẽ, AI có thể tạo ra các nội dung rất dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ cần học cách gõ lệnh, thầy cô giáo đã có thể tạo ra những video và slide phục vụ cho nội dung bài giảng.

Thầy cô cũng có thêm những phương thức giảng dạy mới, giúp người học có thêm động lực và hào hứng hơn trên lớp. Chẳng hạn, chỉ với một chiếc máy tính có kết nối Internet, thầy cô có thể hỏi bất cứ thứ gì.

“Nếu giáo viên muốn có một bức tranh về vòng tuần hoàn của nước, chỉ cần một câu lệnh, 10 giây sau đã có ngay một bức tranh do AI tạo ra. Từ đó, thầy cô có thể đưa vào bài giảng của mình, vừa trực quan, vừa sống động”, ông Tuấn cho hay.

Bên cạnh đó, các công cụ AI cũng giúp con người học được hàng tỷ dữ liệu trên thế giới chỉ bằng vài câu lệnh, đồng thời giúp thầy trò có thể cùng nhau nghiên cứu ra những sản phẩm, sáng chế ngay khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Nhờ vậy, sẽ không còn rào cản giữa sinh viên đại học và nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, cùng với sự phát triển của AI, khoảng 85% nghề nghiệp nhàm chán trong tương lai sẽ được giải phóng và nhiều người sẽ đứng trước nguy cơ mất việc. Do đó, ông cho rằng, các bạn trẻ giờ đây đang phải đối mặt với một thực tế rằng AI đang thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực và ngày càng đi sâu, đi xa vào các ngành nghề.

“Điều này đặt ra thách thức đối với ngành giáo dục là phải đào tạo ra những người trẻ có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Thậm chí, ngay cả với những sinh viên đang học chương trình hiện tại cũng phải chấp nhận thực tế, ngay sau khi họ tốt nghiệp, mọi thứ cũng có thể đã thay đổi. Chỉ còn khoảng 7 năm nữa thôi, mọi thứ sẽ đổi thay một cách chóng mặt”, ông Tuấn nhận định.

Để chuẩn bị và thích ứng điều này, ông Tuấn cho rằng, giáo dục cũng cần phải thay đổi. Giáo viên phải dạy cho học sinh biết học để làm gì; học phải đi đôi với hành, tạo ra các sản phẩm khoa học, kỹ thuật và học phải có một cộng đồng.

“Hiện nay chúng ta còn nhồi nhét cho học sinh quá nhiều kiến thức, trong khi những điều đó có thể tổng hợp rất nhanh chỉ thông qua một câu lệnh. Do đó, thay vì chỉ truyền thụ kiến thức, giáo viên cần phải dạy cho học sinh những kỹ năng này”.

Song ông Tuấn cho rằng AI cũng chỉ nên là một công cụ hỗ trợ con người học tập và nghiên cứu, không thể thay thế hoàn toàn con người. Nhờ có AI, con người có thể nhau khám phá những lĩnh vực mới trong thế giới thật.