Cơ quan quản lý cần xây dựng những chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trên nền tảng đám mây trong thời gian tới, do đám mây đã là một xu hướng tất yếu trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tham quan các phần mềm của Misa. Ảnh: T.C |
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trước đề xuất của các doanh nghiệp phần mềm nội để điện toán đám mây có thể thực sự "lên mây" tại Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc công ty Misa đã kiến nghị cơ quan quản lý có những hình thức hỗ trợ tích cực dành cho doanh nghiệp sản xuất và phát hành phần mềm dưới dạng thuê bao dịch vụ, chẳng hạn như được hưởng thuế suất ưu đãi như đối với hoạt động sản xuất phần mềm. Theo phân tích của Misa thì việc sử dụng dịch vụ dưới dạng thuê bao có nhiều ưu điểm rõ rệt so với việc cài đặt phần mềm truyền thống, như doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống quản lý cao cấp mà không cần tốn nhiều chi phí cho việc đầu tư máy chủ, hệ thống v...v...
Việc quản trị dịch vụ sẽ do DN phần mềm đảm nhận nên các khách hàng cũng không cần chỉ định nhân sự chuyên trách như trước đây. "Mô hình này mang tính cơ động, hiệu quả cao giống như thuê bao điện thoại, rất phù hợp với điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các đơn vị - cơ quan hành chính Nhà nước", ông Hoàng chia sẻ.
Chưa có "mây" đúng nghĩa?
Tuy dịch vụ đám mây hứa hẹn là vậy, nhưng ở Việt Nam, có vẻ như các doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, Viettel... vẫn chỉ đang quan sát, nghe ngóng là chính. Những dự án đã triển khai mới dừng ở quy mô nhỏ, mang tính thử nghiệm phần nhiều.
Ông Vương Vũ Thắng, Tổng giám đốc VCCorp chia sẻ rằng, những công ty lớn nhất thế giới như Microsoft, Amazon, Google hiện nay đều đã chuyển sang đám mây. "Có thể thấy đây là một xu hướng tất yếu, không thể khác được nhưng tại VN thì lại chưa có một công ty nào cung cấp dịch vụ đám mây theo đúng nghĩa", ông Thắng chỉ ra.
Đây là một thực tế đáng lo cho Việt Nam, bởi theo phân tích của VCCorp, trong xu hướng này mọi trung gian đều biến mất, người dùng mua dịch vụ đám mây trực tiếp từ nhà cung cấp bằng thẻ tín dụng. "Khi ấy Việt Nam sẽ không được hưởng bất cứ giá trị nào cả", các doanh nghiệp nước ngoài - nhà cung cấp dịch vụ đám mây - sẽ hưởng trọn doanh số mà không phải nộp thuế cho Nhà nước, cũng như không phải chịu bất cứ rào cản, quy định quản lý nào.
"Không còn cách nào khác, VN buộc phải làm chủ công nghệ đám mây và cung cấp các dịch vụ đám mây nội dành cho khách hàng trong nước. Phải có những công ty Việt cung cấp đám mây cho khách hàng Việt", ông Thắng khẳng định. "Đó là cách duy nhất để khống chế xu hướng này".
Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Trần Thắng, Giám đốc công ty 1VS cũng nhận định rằng tất cả các doanh nghiệp CNTT lớn, "có tên tuổi" của Việt Nam hiện nay đều chưa cung cấp những dịch vụ đám mây đúng nghĩa dành cho khách hàng lớn. "Sân chơi này rất rộng nhưng đang bỏ ngỏ hoàn toàn", nhường toàn bộ cho những đại gia công nghệ nước ngoài như Google, Microsoft. "Rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp dùng dịch vụ thư điện tử Gmail của Google nhưng thử hỏi, có dịch vụ thư điện tử nào tương tự được các đại gia CNTT Việt triển khai hay chưa?", ông Thắng nêu câu hỏi.
Công ty công nghệ có nguồn gốc từ Nga này xác định, cung cấp dịch vụ dựa trên nền đám mây cho các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan sẽ là hướng đi chiến lược, trọng tâm trong năm 2014 để tìm kiếm tăng trưởng và lợi nhuận.
Cần cái nhìn mở
Ông Vương Vũ Thắng, TGĐ VCCorp mong cơ quan quản lý có cái nhìn mở đối với những xu hướng mới như điện toán đám mây. Ảnh: B.M |
Tuy nhiên, do xu hướng đám mây còn khá mới mẻ nên nhiều khách hàng còn rụt rè, chưa dám "mạo hiểm" sử dụng.
Đề xuất của Misa là Bộ TT&TT nên có những chính sách khuyến khích các đơn vị trong khối cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm dạng thuê bao dịch vụ, bởi đây là khối khách hàng khó dám "vượt rào quy trình" nhất, như lời đồng tình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Còn ông Vương Vũ Thắng thì thẳng thắn thừa nhận, sự đầu tư trong suốt 2 năm qua của VCCorp cho điện toán đám mây chưa chắc đã có hiệu quả về mặt kinh tế. "VCCorp vẫn phải làm để đón đầu xu hướng, chỉ có điều doanh nghiệp rất cần một cơ chế khuyến khích từ phía Nhà nước".
Doanh nghiệp này cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có cái nhìn mở đối với những dịch vụ mới, xu hướng mới như đám mây để họ dám mạnh dạn đầu tư, khai phá những lĩnh vực này.
Tất nhiên, bản thân các khách hàng - là các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước - cũng phải nhận ra những lợi ích mà đám mây có thể đem lại cho họ, cũng như những mối quan ngại về bảo mật, về dữ liệu hoàn toàn có thể giải quyết được.
Từ góc độ của đơn vị quản lý trực tiếp, Bộ trưởng Son khẳng định việc chuyển sang xu hướng đám mây là quy luật tất yếu. "Chúng ta cần biến đám mây thành công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp nội kinh doanh, hoạt động. Phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xã hội, trong các đơn vị, tổ chức - làm sao để Việt Nam mạnh bằng CNTT trước rồi mới nói đến chuyện nước mạnh về CNTT", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bất cứ một công nghệ mới nào cũng cần có thời gian, cũng đòi hỏi một quá trình từ lúc được chấp nhận trong đời sống cho tới khi được ứng dụng rộng rãi. Cái mà Việt Nam cần lúc này không chỉ là một tư duy mở, thông thoáng của cơ quan hoạch định chính sách, mà quan trọng hơn, những ứng dụng, những dịch vụ điện toán đám mây "made-in-Việt Nam" có thực sự ưu việt, đạt chất lượng ngang bằng với thế giới hay không. Việc thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ đám mây nội không thể áp đặt bằng quản lý hành chính, mà trước hết, những sản phẩm nội phải ghi điểm được với người dùng cái đã. "Bạn luôn cần một món ăn thực sự ngon để chinh phục khách hàng. Chỉ nên coi những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước giống như gia vị gia giảm cho món ăn mà thôi", một chuyên gia công nghệ ví von.
Trọng Cầm