Loạt dự án khởi nghiệp thần tốc có bàn tay của Shark Thủy, vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa gửi công văn giải trình đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về các thông tin liên quan đến CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây.
Theo đó, ông Thủy cho biết Apax English là công ty con của Apax Holdings (IBC), với tỷ lệ nắm giữ 66,36%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy, sau khi rà soát, kiểm tra và xác minh, kết quả cho thấy, những vấn đề được báo chí đưa ra (về việc nhiều trung tâm bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền) đang là những tồn tại của Apax English; lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Shark Thủy cũng cho hay, các thông tin của Apax English xuất hiện trên báo chí “không có ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như tình hình quản trị của Apax Holdings”, vì Apax Holdings là công ty mẹ và hoạt động độc lập.
Theo ông Thủy, trải qua hai năm dịch Covid-19 vô cùng khó khăn, sự việc xảy ra đã có trong dự phòng hoạt động đầu tư kinh doanh của phía công ty.
Ngoài Apax English, Apax Holdings còn sở hữu hai công ty con khác là CTCP Phát triển Igarten và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia đang hoạt động tốt, phát triển tốt.
Apax Holdings lên sàn chứng khoán từ năm 2017 và hiện có vốn hóa 1.400 tỷ đồng.
Tới cuối quý III/2022, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả 3.190 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ của Apax Holdings là rất lớn nếu so với quy mô vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 15/11, cổ phiếu IBC giảm sàn xuống 16.950 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm qua.