Theo Bloomberg, kết quả cuộc khảo sát toàn cầu vừa công bố mới đây cho thấy, Singapore và Zurich đã vượt qua New York để trở thành hai thành phố có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. 

Theo báo cáo về Chi phí sinh hoạt toàn cầu năm 2023 của nhóm Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí kinh tế The Economist, những yếu tố khiến Singapore vượt lên trên New York là chi phí sở hữu ô tô cao ngất ngưởng, giá rượu đắt đỏ và giá hàng tạp hóa tăng cao. 

Năm ngoái, Zurich xếp hạng thứ 6 nhưng năm nay đã nhảy vọt lên đứng đầu, cùng với Singapore. Nguyên nhân do đồng franc Thụy Sĩ tăng, cùng với đó là các chi phí như hàng tạp hoá, đồ gia dụng và giải trí tại thành phố này đắt đỏ hơn. 

singapore.jpeg
Singapore và Zurich là hai thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới năm 2023. (Ảnh: Bloomberg)

Cùng với New York, Geneva của Thụy Sĩ xếp ở vị trí thứ 3. Hong Kong (Trung Quốc) lọt vào danh sách 5 thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới. 

Nhìn chung, so với cùng kỳ năm trước, giá cả toàn cầu tăng trung bình 7,4% tính theo đồng nội tệ, giảm nhẹ so với mức tăng 8,1% của năm ngoái.

Trong bảng xếp hạng năm nay, các thành phố của Trung Quốc nằm trong số những thành phố tụt hạng nhiều. Đó là bởi quốc gia này phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Los Angeles xếp thứ 6 và và San Francisco đứng thứ 10. Đây là hai thành phố khác của Hoa Kỳ, ngoài New York, lọt vào top 10.  

Thành phố rẻ nhất vẫn là thủ đô Damascus của Syria, mặc dù giá sinh hoạt ở đây đã tăng 321%. 

Santiago de Querétaro và Aguascalientes của Mexico là hai thành phố thăng hạng nhiều nhất trong bảng xếp hạng sau khi đồng peso tăng giá so với đồng đô la Mỹ. 

Đồng yên Nhật yếu hơn khiến cho Tokyo tụt 23 bậc, xuống vị trí thứ 60. Thành phố khác của Nhật Bản là Osaka tụt 27 bậc, xuống vị trí thứ 70.

Đặc biệt, thành phố Tel Aviv của Israel lại lọt vào top 10 thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới. Theo giải thích, cuộc khảo sát được thực hiện trước khi cuộc chiến Israel-Hamas xảy ra, sự kiện gây ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt. 

Theo khảo sát, trong nhóm 10 loại hàng hoá thì giá dịch vụ tăng ít nhất với mức tăng 5,7%. 

Upasana Dutt, Trưởng nhóm EIU thuộc tạp chí kinh tế The Economist, cho biết, việc khan hiếm nguồn cung các mặt hàng khiến giá tăng trong giai đoạn 2021-2022 đã giảm đáng kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào cuối năm 2022.

Cùng với đó, giá năng lượng tăng do chiến tranh Nga - Ukraine cũng đã giảm bớt. 

“Bất chấp rủi ro tăng giá, EUI dự đoán lạm phát sẽ được kéo giảm hơn nữa vào năm 2024. Điều này sẽ khiến giá cả trên toàn cầu giảm bớt”, Upasana Dutt nói. 

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 14/8-11/9,  tại 173 thành phố trên khắp thế giới.

Sau đây là 10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới theo bảng xếp hạng năm 2023:

Thành phố Thứ hạng
Singapore 1
Zurich 1
Geneva 3
New York 3
Hong Kong 5
Los Angeles 6
Paris 7
Copenhagen 8
Tel Aviv 8
San Francisco 10