Hàng trăm sinh viên Đài Loan hôm 31/7 đã xông vào Cơ quan quản lý giáo dục để biểu tình phản đối sách giáo khoa mà họ cho là có nội dung nhằm thúc đẩy chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Khoảng 700 sinh viên đã leo qua hàng rào xung quanh Cơ quan quản lý giáo dục Đài Loan.
Vài giờ sau đó, đám đông giải tán dần chỉ còn khoảng 200 sinh viên cắm trại bên trong khu viên cơ quan này yêu cầu đối thoại với ông Wu Se-hwa, người đứng đầu ngành giáo dục của hòn đảo này.
Những người này liên tục hô khẩu hiệu kêu gọi người đứng đầu ngành giáo dục từ chức, đồng thời rút lại chương trình sách giáo khoa "ủng hộ Trung Quốc". Các sinh viên cho biết sẽ tiếp tục ở đây cho đến sáng mai. Trong khi đó, ông Wu vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào.
Các sinh viên tụ tập tại cơ quan giáo dục. (Ảnh: Channel NewsAsia) |
Phát ngôn viên cảnh sát cho biết đã nhận được lệnh không giải tán sinh viên nhưng vẫn sẽ “theo sát” tình hình tại khu vực này.
Cảnh sát theo dõi tình hình. (Ảnh: SCMP) |
Vụ việc diễn ra sau khi sinh viên Lin Kuan-hua, 20 tuổi, tự sát vào sáng 30-7. Được biết Lin là một trong số 30 sinh viên cùng với 3 nhà báo bị bắt giữ hồi tuần trước sau khi đột nhập vào Cơ quan quản lý giáo dục vì quá tức giận về những thay đổi của chương trình giáo dục trung học gây tranh cãi.
Cảnh sát được lệnh không giải tán sinh viên. (Ảnh: Channel NewsAsia) |
Trong vài tháng qua, các nhà hoạt động trẻ tuổi đã ồ ạt xuống phố, đụng độ với cảnh sát tiến đến các trụ sở chính quyền để phản đối quan điểm thân Bắc Kinh của giới lãnh đạo Đài Loan.
Các sinh viên Đài Loan cho rằng việc sửa đổi sách giáo khoa trung học bóp méo lịch sử, thiên về Trung Quốc với mục đích tẩy não và buộc họ chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
|
Khoảng 200 sinh viên vẫn còn ở trong khuôn viên cơ quan giáo dục. Ảnh: Channel NewsAsia |
Trong khi đó, chính phủ Bắc Kinh luôn cho rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng cầm quyền thân Trung Quốc đã ký một loạt hiệp định về kinh tế và thương mại với Trung Quốc, mặc dù không có bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào cũng như sự nghi kỵ vẫn tồn tại ở cả 2 bên, đặc biệt là ở Đài Loan.
(Theo Người Lao động/ Nguồn Reuters)