Ứng dụng tự động chẩn đoán bệnh
Nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp với các thầy trong Hội đồng phản biện |
Ứng dụng Pemeprap là đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ, vừa hoàn thành bảo vệ vào cuối tháng 8/2021.
Nhóm sinh viên Lê Nhật Quang, Vũ Văn Hoàng, Kiều Hiếu Thành, Bùi Nguyễn Nhật Tâm, Nguyễn Đặng Quốc Khánh (Chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT Cần Thơ) phát triển ứng dụng Pemeprap nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các cơ sở y tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Pemeprap là ứng dụng tự động chẩn đoán bệnh dựa trên thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên như tách từ và tìm từ đồng nghĩa của tiếng Việt, sau đó ứng dụng công nghệ AI Deep Learning để đưa ra chẩn đoán bệnh. Các dữ liệu thực tế của người dùng được lưu lại sau mỗi lần chẩn đoán (bệnh án) và được sử dụng trong quá trình “học lại” nhằm nâng cao tỉ lệ chính xác cho những lần sử dụng tiếp theo.
Với cách thức đơn giản, bệnh nhân chỉ cần tải ứng dụng về smartphone và thực hiện thao tác 5 bước: mô tả triệu chứng, chờ xử lý dữ liệu, nhận chẩn đoán lần 1, chờ xác nhận của bác sĩ, nhận đơn thuốc.
Người dùng ứng dụng sẽ cung cấp dữ liệu (miêu tả triệu chứng) với chatbot |
Cụ thể, người dùng sẽ được khám bệnh trực tiếp với “bác sĩ ảo”. Sau khi tiếp nhận các triệu chứng bệnh vào hệ thống, chatbot sẽ sử dụng AI Deep Learning để phân tích các cơ sở dữ liệu được cung cấp và đưa ra chẩn đoán lần 1 gồm: tên bệnh, mô tả triệu chứng, lời khuyên và đơn thuốc.
Chẩn đoán của chatbot dành cho bệnh nhân tham khảo (chưa được bác sĩ xác nhận) |
Tiếp đó, “bác sĩ” truy cập hệ thống và xác nhận chẩn đoán, đơn thuốc thông qua đoạn chat của bệnh nhân với chatbot. Trong trường hợp thông tin chatbot đưa ra chưa chính xác, bác sĩ sẽ chỉnh sửa chẩn đoán bệnh cũng như nội dung đơn thuốc để đưa ra kết quả cuối cùng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể liên hệ với người bác sĩ đã xác nhận chẩn đoán đó.
Đặc biệt, Pemeprap còn có chức năng chẩn đoán bệnh thông thường từ xa bằng giọng nói hoặc văn bản; hỗ trợ sử dụng giọng nói cho người dùng nếu có khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và có thể lưu lại lịch sử phiên khám bệnh để người dùng và bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi.
Màn hình hiển thị của bác sĩ và bệnh nhân |
Giúp người dùng định hướng bệnh
Nhóm sinh viên ĐH FPT Cần Thơ phát triển ứng dụng này với sự hướng dẫn của giảng viên Lương Hoàng Hướng và hỗ trợ chuyên môn từ BS CKI Trịnh Hoàng Thanh (Bệnh viện Quân Y 121) về công nghệ AI, nguồn dữ liệu, đóng góp chuyên môn.
Theo BS. Trịnh Hoàng Thanh, Pemeprap là một ứng dụng hữu ích nhằm mang tính chất định hướng chẩn đoán bệnh, định hướng về khả năng sử dụng thuốc trong điều trị. Pemeprap có khả năng phát triển rộng rãi với tính chất sàng lọc hoặc dự đoán bệnh đối với các kiến thức về y học phổ thông, nâng cao khả năng tìm hiểu về bệnh của chính bản thân người bệnh.
Bác sĩ kiểm tra chẩn đoán, đơn thuốc và trả kết quả cuối cùng. Nếu bệnh nhân thắc mắc có thể chọn “liên hệ với bác sĩ” để được giải đáp thêm |
BS. Trịnh Hoàng Thanh cũng nhấn mạnh: “Điều cần thiết nhất trong khám và điều trị bệnh là sự tương tác trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân để có sự chính xác trong việc chẩn đoán bệnh chính và bệnh lý kèm theo. Trong điều trị bệnh điều quan trọng nhất là điều trị cụ thể trên cá thể người bệnh (điều trị người bệnh chứ không phải điều trị bệnh) vì mỗi người bệnh sẽ có sự khác nhau. Do đó Pemeprap có ý nghĩa mang tính chất tham khảo, định hướng cho người bệnh nhiều hơn chẩn đoán và điều trị”.
Pemeprap có khả năng giúp ích được nhiều hơn cho người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách xã hội, Pemeprap mang lại nhiều cơ hội tiếp cận y tế cho người bệnh.
Giảng viên Lương Hoàng Hướng (ĐH FPT Cần Thơ) cho biết: “Ứng dụng có độ hoàn thiện cao, các chức năng đã được kiểm tra, thử nghiệm và đánh giá tốt khi có thể dự đoán được 9 loại bệnh cơ bản. Để tiến tới thương mại hóa sản phẩm này, các bạn sinh viên nên thử nghiệm trước tại cơ sở bệnh viện hoặc phòng khám tư để các bác sĩ biết, sử dụng và cung cấp thêm dữ liệu bệnh khác để hoàn thiện sản phẩm và nâng cao tính thương mại”.
BS.Trịnh Hoàng Thanh cho rằng, Pemeprap cần bổ sung dữ liệu đủ lớn và tránh nhiễu (đặc biệt là các thông tin giống nhau hoặc gần giống nhau để giúp ích cho quá trình tìm kiếm các thông tin cần thiết; bổ sung kênh khai báo đầy đủ cho Pemeprap bằng các dạng câu hỏi định hướng và có sự lựa chọn; kết nối Pemeprap với ID khám chữa bệnh của bệnh nhân tại các cơ sở y tế để truyền và lưu dữ liệu như một hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi bệnh nhân nhằm nâng cao tính thương mại hóa.
Huệ Anh