Thông tin trên được bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đưa ra tại họp báo ngày 27/12.

Theo bà Giang, đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng; dư nợ gần 23.000 tỷ đồng; tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng (trong tổng số hơn 16.000 tỷ cần phân bổ của năm 2022 - pv). Kết quả này không đạt như kỳ vọng. 

Qua khảo sát của các NHTM địa phương, phía doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất bởi sau này sẽ phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán. Do đó, doanh nghiệp cân nhắc giữa việc được hỗ trợ lãi suất 2% so với chi phí phải bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ, các quy định liên quan tới công tác hậu kiểm.

Tiếp đó, theo quy định, khách hàng được hỗ trợ lãi suất 2% phải có khả năng trả nợ và phục hồi. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng như các NHTM không dám khẳng định có khả năng phục hồi hay không, trong bối cảnh biến động kinh tế hiện nay. 

Nhiều doanh nghiệp đang không mặn mà với gói vay hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

“Doanh nghiệp sợ sau này, khi đánh giá khả năng phục hồi không đáp ứng được quy định tại thời điểm thanh tra, kiểm toán thì sẽ phải thu hồi. Mặt khác, họ e ngại có thể bị đánh giá là trục lợi chính sách. Thống kê, 67% doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất 2%”, bà Giang nói.

Trước tình hình trên, NHNN đã kiến nghị Chính phủ hai giải pháp. Một, điều chuyển nguồn tiền sang các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn; ví dụ, chương trình cho vay giải ngân qua ngân hàng chính sách xã hội, chương trình cho vay giải quyết việc làm. Hai, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua biện pháp miễn giảm thuế, theo đại diện NHNN.

Còn tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho hay, mức trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn 5,5% vẫn được áp dụng với 5 nhóm ngành, gồm lĩnh vực xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đây là mức cho vay với lãi suất thấp và chương trình vẫn thực hiện nhiều năm qua. Hiện, tổng dư nợ vay lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành đạt khoảng 200.000 tỷ, trong đó, dư nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 70%.

Tuy nhiên, đây là những khoản vay ngắn hạn với vòng quay tín dụng khoảng 2-3 vòng/năm, do đó, thực tế quy mô hỗ trợ doanh nghiệp lớn hơn nhiều. Tổng số tiền vay hỗ trợ đối với doanh nghiệp có thể đạt khoảng 900.000 tỷ, theo ông Lệnh.

Dẫu vậy, đại diện NHNN tại TP.HCM lưu ý, doanh nghiệp muốn tiếp cận được chương trình vay thì phải công khai, minh bạch tài chính, sổ sách phải được kiểm toán, có kết quả kinh doanh 3 năm liền kề đạt tốt. Quy định này phần nào tạo áp lực cho doanh nghiệp, nhưng chương trình cho vay hướng tới hỗ trợ nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế, giúp nhóm này được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.