Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 1/5 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 152 triệu người với xấp xỉ 3,2 triệu ca tử vong. Song, hơn 129,2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh là trên 85%.
Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 33,1 triệu ca mắc, bao gồm cả 590.008 bệnh nhân không qua khỏi.
Các thành viên gia đình đang khiêng xác một bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đi hỏa táng ở Ấn Độ. Ảnh: Time |
Ấn Độ liên tục phá kỷ lục về ca nhiễm
Theo trang Worldometers, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 402.110 ca dương tính với virus corona chủng mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 19,2 triệu người. Tổng số ca tử vong vì virus hiện là 211.835 người, tăng 3.522 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các dữ liệu cho thấy, Ấn Độ vẫn là "ổ dịch" lớn thứ hai trên thế giới, nhưng đã trở thành tâm chấn của làn sóng lây nhiễm mới khắp toàn cầu sau khi số ca mắc mới hàng ngày liên tục phá kỷ lục trong 2 tuần trở lại đây.
Hệ thống y tế quá tải trong bối cảnh cạn kiệt oxy và thuốc điều trị đã khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 tại quốc gia Nam Á bị từ chối tiếp nhận điều trị và tử vong bên ngoài bệnh viện hoặc trên đường tới các cơ sở y tế.
Đáng lo ngại, nhiều bang ở Ấn Độ thông báo đã hết vắc-xin ngừa virus trước khi chiến dịch tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành bắt đầu vào ngày 1/5. Theo hãng tin Reuters, dù là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ không có đủ nguồn dự trữ để chủng ngừa cho người dân giữa lúc dịch bệnh hoành hành.
Mỹ công bố áp hạn chế đi lại với Ấn Độ
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ áp lệnh hạn chế đi lại với Ấn Độ kể từ ngày 4/5. Hãng tin AP trích dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 30/4 giải thích, quyết định được ban hành theo khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao bất thường và nhiều biến thể virus lan truyền ở quốc gia Nam Á.
Tổng thống Biden đã ký một tuyên bố cấm nhập cảnh đối với hầu hết người nước ngoài có mặt ở Ấn Độ trong 14 ngày qua, ngoại trừ các thường trú nhân hợp pháp, vợ/chồng và các họ hàng gần của công dân Mỹ. Theo lãnh đạo Nhà Trắng, đây là biện pháp phòng ngừa, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân ở xứ sở cờ hoa.
Hôm 26/4, ông Biden đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về cuộc khủng hoảng y tế gia tăng và cam kết sẽ viện trợ cho New Delhi ngay lập tức. Từ tuần này, Mỹ đã bắt đầu gửi thuốc điều trị, các bộ xét nghiệm nhanh, oxy y tế cùng một số nguyên liệu cần thiết để sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 cho Ấn Độ. Một nhóm chuyên gia CDC dự kiến cũng sẽ tới Ấn Độ giúp nước sở tại làm chậm lại tốc độ lây lan của mầm bệnh nguy hiểm.
Đông Nam Á điêu đứng vì dịch
Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, có tới 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có bệnh nhân Covid-19 tử vong là Indonesia, Philippines, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Dịch tái bùng phát dữ dội khiến Philippines trở thành tâm chấn của làn sóng lây nhiễm mới tại khu vực với số ca mắc mới trong 24 giờ qua lên tới 8.748 trường hợp, cao hơn "ổ dịch" lớn nhất ASEAN là Indonesia. Tổng số ca nhiễm tại Philippines hiện đã cán mốc hơn 1 triệu người với 17.234 trường hợp tử vong.
Diễn biến dịch ở Malaysia, Thái Lan và Campuchia cũng chưa có tiến triển khả quan khi số ca lây nhiễm trong cộng động vẫn ở mức cao nhiều ngày qua, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp hạn chế phòng chống virus.
Theo Strait Times, Singapore hôm 30/4 phát hiện 2 ổ dịch mới, trong đó một số ca mắc có lịch trình đi lại khá phức tạp khiến nguy cơ lây lan rộng rất cao. Ổ dịch thứ nhất liên quan tới bệnh viện Tan Tock Seng, với 14 người cho đến nay được phát hiện dương tính với virus corona chủng mới, bao gồm cả các bác sỹ, y tá và bệnh nhân. Đáng chú ý, cả 4 nhân viên bệnh viện mắc Covid-19 đều đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Ổ dịch thứ hai liên quan tới một nhân viên Cơ quan Kiểm soát Nhập cư (ICA) làm việc tại nhà ga số 1 của sân bay Changi. Hiện, 7 thành viên trong gia đình người này có kết quả xét nghiệm dương tính. Nhà chức trách đã cho cách ly 32 nhân viên sân bay Changi và đang tiến hành xét nghiệm cho khoảng 100 người có tiếp xúc gần với F0.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 3 ngày qua, Singapore có 28 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 54 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên lên 61.145 ca. Để ứng phó, đảo quốc sư tử đã quyết định siết chặt lại một số quy định giãn cách xã hội sau khi đã nới lỏng một phần trong thời gian qua.
Từ ngày 1 - 14/5, Singapore sẽ giảm lượng người tới các trung tâm mua sắm. Một số khu mua sắm sầm uất như Lucky Plaza và Peninsula Plaza sẽ áp dụng quy định ngày chẵn, lẻ theo số chứng minh thư của khách hàng. Các điểm cắm trại, nướng BBQ ngoài trời sẽ phải tạm đóng cửa, trong khi các điểm du lịch giảm công suất phục vụ xuống 50%.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Bộ Y tế Singapore thông báo, từ ngày 2/5, nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với các du khách gần đây từng có mặt ở Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka do số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng trong khu vực Nam Á. Lệnh cấm được áp dụng đối với cả những người đang có visa dài hạn và du khách có visa ngắn hạn. Trước đó, Chính phủ Singapore đã áp lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Ấn Độ.
- Tân Hoa xã đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì tình hình dịch nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này. Ông Tập cũng đề nghị tăng cường hợp tác và hỗ trợ Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19.
- Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 394 ca tử vong, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi trên toàn quốc lên 40.131 người. Tổng số ca mắc tại nước này tính đến sáng 1/5 là hơn 4,8 triệu người, tăng 31.891 trường hợp so với một ngày trước đó.
- Bộ Y tế Canada tuyên bố sẽ tạm cấm sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 đơn liều, do công ty con Janssen Pharmaceuticals của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson sản xuất, cho đến khi cuộc điều tra về các vấn đề kiểm soát chất lượng tại đây hoàn tất.
- Theo các quan chức y tế Tây Ban Nha, nước này sẽ kéo dài khoảng cách chờ tiêm phòng giữa liều thứ nhất và liều thứ hai của vắc-xin AstraZeneca ở người dưới 60 tuổi từ 12 tuần lên 16 tuần.
Tuấn Anh
Tâm sự gan ruột của y tá ở tâm dịch Covid-19 tại Ấn Độ
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đang càn quét Ấn Độ, đẩy số ca tử vong lên hơn 200.000 người. Các nhân viên y tế luôn đi đầu trong cuộc chiến chống dịch, đối diện với cái chết và sự tàn phá hàng ngày.
Những tin nhắn quyết định sống - chết giữa 'sóng thần' Covid-19 ở Ấn Độ
Khi đợt bùng phát Covid-19 thứ hai như sóng thần càn quét Ấn Độ, với số ca mắc mới hàng ngày lên tới hơn 350.000 người, nhiều gia đình bệnh nhân đã ráo riết tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.