Tại họp báo chiều 21/9, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD- ĐT TP.HCM, cho hay giám đốc Sở GD-ĐT chỉ yêu cầu giáo viên không được kiểm tra đầu giờ một cách đột xuất, bất ngờ… và không phải cấm việc kiểm tra bài đầu giờ.

Theo ông Minh, bài kiểm tra diễn ra 2 hình thức là thường xuyên và đầu kỳ. Kiểm tra thường xuyên gồm nhiều hình thức, trong đó, có kiểm tra miệng (vấn đáp). Tuy nhiên, giáo viên cần có kế hoạch kiểm tra và kiểm tra để biết học sinh có nắm kiến thức hay không.

“Sở chủ trương không kiểm tra đột xuất, chứ không phải cấm kiểm tra miệng đầu giờ. Việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ thường tạo hoặc gây áp lực cho học sinh ngay từ đầu buổi học, khiến các em lo lắng... Do đó, việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ là không được thực hiện”- ông Minh nói.

Trước đó tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, yêu cầu không được kiểm tra đầu giờ bất chợt.

Theo ông Hiếu, hiện nay vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ kiểm tra bài cũ theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh, trong khi đó, nhiều học sinh vừa đến trường, vừa ăn sáng, ôn bài và lo lắng bị hỏi bài cũ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng để nâng cao chất lượng, trường học cũng phải hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Nếu thầy cô cứ "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" không những làm cho học sinh căng thẳng, còn không mang lại giá trị gì cho các em.

Để học sinh đến trường hạnh phúc thầy, cô có thể lựa chọn bằng nhiều cách khác nhau để kiểm tra kiến thức. Ngoài ra, các giáo viên cũng có thể chọn nhiều cách để đi vào bài học một cách nhẹ nhàng, thoải mái, tạo cho học sinh sự hứng thú khi học tập.