Ở nước ta, sản lượng trái cây mỗi năm ước đạt 14-17 triệu tấn. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, trái cây Việt còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thế nhưng, nhiều năm nay người nông dân ở nước ta vẫn thường xuyên chịu cảnh vào mùa thu hoạch trái cây được mùa rớt giá và ngược lại. Lãnh đạo ngành nông nghiệp đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này và chỉ rõ thực trạng bà con nông dân luôn thích sản xuất theo ý mình mà không quan tâm xem thị trường cần gì. Trong khi đó, nhà quản lý thì đợi “xoài chín đầy vườn mới lo tìm đầu ra cho sản phẩm”… 

Đây là một phần nguyên nhân khiến trái cây vào mùa thu hoạch dội chợ, dư thừa dẫn đến giá rẻ, thậm chí phải giải cứu.

Là một doanh nghiệp tham gia phân phối trái cây nhiều năm trên thị trường, bà Nguyễn Ngọc Huyền – Chủ tịch Công ty TNHH Mia Group thừa nhận, trái cây Việt Nam chủng loại vô cùng phong phú. Có những giống trái cây đặc sản nếu canh tác đúng và kỹ càng, chất lượng không thua gì những trái cây đặc sản của Hàn Quốc hay Nhật Bản. 

Song, người nông dân lại giữ thói quen chạy theo sản lượng, mù mờ về thị trường nên nông sản dội chợ, đôi khi phải hỗ trợ giải cứu. 

ban do trai cay.png
Bản đồ trái cây Việt Nam không chỉ cung cấp thông tin về diện tích, sản lượng, thời vụ mà còn là nơi kết nối cung cầu 

Nhìn ra được tiềm năng và điểm yếu của trái cây Việt Nam, năm 2020, bà cùng đội ngũ của mình bắt tay xây dựng Bản đồ trái cây Việt Nam cho người dùng trong nước và kết nối ra thị trường nước ngoài.

Đây là bản đồ công nghệ, số hóa, nên khi dùng máy tính hay điện thoại... đều có thể truy cập được ngay để thấy bức tranh toàn cảnh về trái cây của Việt bằng những cái “chạm tay” vô cùng đơn giản. 

Giai đoạn 1 của Bản đồ trái cây Việt Nam đã hoàn thành. Tại bản đồ số trái cây, mỗi tỉnh thành, mỗi một địa phương, hợp tác xã có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý ra sao, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu... được thể hiện một cách rõ ràng. Bà khẳng định, đây chính là số hoá thông tin dữ liệu hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu theo từng vùng miền.

Cuối năm 2021, Bản đồ số trái cây Việt Nam được giới thiệu tại một triển lãm ở Ý khiến Bộ trưởng Nông nghiệp nhiều nước bất ngờ. Tháng 11/2022, bà được mời giới thiệu về Bản đồ trái cây Việt Nam tại hội chợ Asia Fruit Logistica 2022 do Thái Lan tổ chức.

Hiện, Bản đồ số trái cây đang bước vào giai đoạn kết nối hơn 800 doanh nghiệp lớn về ngành nông sản trên thế giới với khoảng 1.000 hợp tác xã sản xuất trái cây ở Việt Nam. Theo bà Huyền, đây là sân chơi chung cho người nông dân, hợp tác xã sản xuất trái cây ở nước ta, là nơi trao đổi mua bán của các doanh nghiệp nội địa và quốc tế.

Theo đó, trên nền tảng Bản đồ số trái cây Việt Nam sẽ là mạng xã hội để kết nối giữa người mua và người bán. Hay nói đơn giản nó chính là chợ B2B xuyên quốc gia. Tất cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều có thể tham gia mua bán.

Ở đây, doanh nghiệp có thể tham gia tìm hiểu về các loại trái cây đặc sản của Việt Nam, tìm hiểu về mùa vụ, nhà sản xuất rồi đặt hàng. Các hợp tác xã nhận đơn đặt hàng và trồng đúng theo tiêu chuẩn khách yêu cầu. 

Như vậy, cung cầu gặp nhau góp phần ổn định sản xuất, giải quyết vấn đề thị trường đầu ra và giá trái cây, dần xoá bỏ tình trạng được mùa rớt giá, cũng như xoá bỏ cảnh “giải cứu” nông sản. 

Bà Huyền nhận định, làm nông nghiệp không tính bằng tháng mà phải tính theo năm. Phải mất vài năm mới bắt đầu chuyển mình được. Bản đồ trái cây Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cùng với bản đồ trái cây, bà có kế hoạch làm thêm bản đồ hợp tác xã, bản đồ logistic để kết nối và hỗ trợ việc giao thương một cách tốt nhất.

Lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn ở nước ta khẳng định, bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, sản lượng ra sao… Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng vật nuôi cho phù hợp, xác định xu hướng thị trường từ đó đưa ra những dự báo về giá cả nông sản.

Chuyên gia cho rằng, cần xã hội hóa huy động nguồn lực doanh nghiệp để đầu tư xây dựng bản đồ số nông nghiệp. Giống như một số doanh nghiệp hiện nay đang bắt tay vào xây dựng bản đồ số cho từng ngành hàng nông nghiệp. Khi hoàn thiện, các bản đồ số có thể liên thông với nhau tạo thành mạng lưới chung như một hệ sinh thái số lớn của toàn ngành nông nghiệp.

Phạm Lương Bằng, Trần Minh Thuý, Phạm Văn Bắc, Hà Lệ Yên