Nông nghiệp mù mờ

Khi chia sẻ về nền nông nghiệp Việt, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nhắc đến từ “mù mờ”. Theo ông, chúng ta mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc.

Theo Bộ trưởng Hoan, chúng ta không còn "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Nhưng do công tác dự báo thị trường yếu nên sản xuất không “ăn khớp” với nhu cầu, giá cả nông sản bấp bênh.

Ông dẫn chứng về nước bạn Thái Lan. Hàng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh (Trung Quốc) mở cửa, một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Ông thẳng thắn thừa nhận, chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã. 

sieu-thi-1.jpg
Nền tảng dữ liệu lớn là cơ sở để số hoá dự báo thị trường và giá cả nông sản 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong ước sản lượng nông nghiệp Việt Nam rõ ràng như dự báo thời tiết, sáng nào cũng nắm bắt được để dẫn dắt thị trường. Khi ấy, chúng ta có thể dẫn dắt chủ động trước 1-2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được, giống như cái chợ, lên đó mình cứ chở ra chợ, không bán được chợ sáng thì chợ chiều, cùng lắm lại quay về.

Thực tế, công tác dự báo thị trường nông sản đã được các cơ quan quản lý thực hiện thời gian qua. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường tiêu thụ vẫn chưa bám sát đúng nhu cầu của thị trường. Thế nên, người nông dân, hợp tác xã chưa biết bám vào đâu để sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

Đa phần người dân tự mở rộng diện tích sản xuất và bán hàng theo kinh nghiệm mình có. Điều này dẫn đến nguồn cung nông sản lúc thừa thúc thiếu, giá cả bấp bênh.

Trong khi đó, một số nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản… đều có hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu thị trường của các loại nông sản, nên dự đoán trước được chuyển động của thị trường. Thậm chí, công tác dự báo nông sản của các nước này khá chính xác về sự tăng, giảm cả trong ngắn hạn và dài hạn. 

Xây dựng nền tảng dữ liệu để số hoá dự báo thị trường

Để công tác dự báo thị trường được chuyên nghiệp, sát thực tiễn, tháng 8 năm ngoái Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”.

Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản. Thông qua đề án này, tình hình thị trường nông sản được phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các HTX, từ đó tạo nền tảng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, sản xuất phải xuất phát từ thị trường vì thị trường là yếu tố quyết định đến sản xuất, có thị trường thì kế hoạch cho sản xuất mới cụ thể, đầu ra cho nông sản mới đúng và trúng.

Nước ta đang có nhiều thuận lợi về số hoá các công đoạn trong thu thập dữ liệu. Bởi, đa phần nông dân đều đang sử dụng điện thoại thông minh, dễ dàng tiếp nhận các dự báo về thị trường trên nền tảng số để quay lại tổ chức sản xuất.

Ông Đặng Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự báo về nhu cầu và xu hướng thị trường là công tác quan trọng làm cơ sở tổ chức sản xuất. Nhưng muốn số hoá dự báo thị trường nông sản phải có nền tảng dữ liệu. 

Theo đó, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. 

Cần xem xét thử nghiệm sáng kiến “mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung - cầu phát triển thị trường nông sản, ông Hiển cho hay.

Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Hưng, Phan Chí Hiếu