Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: vấn đề kết nối thông tin, phổ biến quy định của thị trường nông sản không chỉ là nhiệm vụ nhằm đảm bảo dân sinh mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Việc sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường được cho là yêu cầu tất yếu để cung đáp ứng cầu, tránh lãng phí… Tuy nhiên, cần làm thế nào cho hiệu quả, để nhà sản xuất nắm rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, từ đó đưa ra các sản phẩm đáp ứng phía người tiêu dùng, thị trường trong nước và nước ngoài. 

Việc kết nối thị trường không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với thị trường trong nước.

nongsan.jpg
Ảnh minh hoạ

Hiện các chuỗi bán lẻ đang làm nhiều hơn sứ mệnh thu mua sản phẩm, đó là cùng địa phương nắm bắt và phản hồi tín hiệu của thị trường. Chuỗi bán lẻ là nơi cung cấp thông tin về sản lượng, hàng hóa cung ứng ra thị trường cũng như khả năng hấp thụ của thị trường với sản phẩm đó để địa phương có thể tính toán quy hoạch lại vùng sản xuất, sản lượng, khối lượng phù hợp. Bên cạnh đó, kênh bán lẻ cũng đưa ra các quy trình vào hàng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các yếu tố để đưa hàng hóa lên kệ, kênh bán, tạo ra giá trị kinh tế cho nhà sản xuất và các vùng chuyên canh địa phương. 

 Thủ đô Hà Nội với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế, do đó nhu cầu tiêu dùng nông sản rất lớn. 

Theo thống kê, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của thành phố Hà Nội như sau: gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.300 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.400 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 129 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.350 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng. Nhu cầu trong các tháng dịp Tết tăng thêm tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, thủy sản, rau, củ quả trái cây, nông sản khô… 

Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000 ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, các sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 20-70% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu. 

Ước tính, lượng hàng hóa tiêu thụ dịp Tết năm nay cao hơn 10% so với dịp Tết 2023. Chính vì vậy, việc cập nhật các thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu thụ trên thị trường nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản phẩm là rất cần thiết.

Đồng thời, cho thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật các quy định, yêu cầu kiểm soát chất lượng về an toàn thực phẩm cho các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, an toàn trên địa bàn Thủ đô, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cho người dân Hà Nội. Song song với đó là quản lý tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc thực vật, tiêu thụ trên địa bàn thành phố. 

Đại diện Xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch phụ trách cho biết, xu hướng tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong đại bộ phận khách hàng, ngoài quan tâm tới chất lượng, giá cả, người dùng đã tìm hiểu khá kĩ tới nguồn gốc sản phẩm, tính minh bạch của nhà sản xuất. 

Thu thập thông tin về thị trường nông sản tác động rất lớn đến phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nói chung. Do đó, mỗi đơn vị, mỗi địa phương, mỗi vùng cần sản xuất theo tín hiệu thị trường để không xảy ra tình trạng cung vượt cầu, nắm bắt quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Việc này sẽ được tiếp sức nếu sử dụng CNTT trong việc thu thập thông tin, dự báo thị trường. 

Lê Thanh Hùng, Vũ Thị Thúy Ngân, Lê Thị Thúy