Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp để hướng tới số hoá dự báo thị trường đang ngày càng cấp thiết. Bởi, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ lẻ, còn thiếu định hướng dài hạn, thường xuyên loay hoay trong lựa chọn nuôi con gì, trồng cây trồng và xác định thị trường mục tiêu. 

Trong khi, muốn bán được nông sản vào các thị trường cần đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật, cũng như các yêu cầu khác sản xuất bền vững như:  trách nhiệm xã hội, môi trường, sử dụng năng lượng sạch...

Thế nhưng, hầu hết bà con nông dân ở nước ta còn đang rất thiếu thông tin về thị trường, nhất là các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường đầu ra.

Dự án “Xây dựng hệ thống dữ liệu theo chuỗi giá trị để hỗ trợ quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Việt Nam” (AgriDataGo) được triển khai từ tháng 10/2023, giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 10 năm nay.

W-nong san.jpg
Nhiều nông dân vẫn loay hoay không biết chọn trồng cây gì và nuôi con gì vì thiếu thông tin về thị trường. Ảnh: Hoàng Hà

Đây là nền tảng số dùng chung miễn phí nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản ở nước ta có thể tiếp cận công bằng và đầy đủ thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các thủ tục cần thiết để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Thông qua các dữ liệu trên nền tảng số này còn tư vấn phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cho các chủ thể, từ đó tăng cường năng lực thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là áp dụng công nghệ mới mà còn phải thay đổi cách thức truyền thông để tạo thói quen tốt cho người dân. 

“Chúng tôi hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ họ thích ứng với xu hướng thị trường hiện đại”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thế nên, xây dựng một hệ sinh thái với nền tảng chung bao gồm các dữ liệu cụ thể, dễ hiểu về tất cả các thông tin thị trường để các chủ thể là nông dân, HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời. Từ đó, tuân thủ tốt hơn quy định của thị trường nội địa và quốc tế, đưa ra những kế hoạch sản xuất và chế biến phù hợp góp phần phát triển sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững.

Do vậy, AgriDatatGo là công cụ số giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với các yêu cầu và xu hướng của thị trường. 

Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Dịch vụ chất lượng Retaq (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) cho biết, nền tảng số AgriDataGo giải quyết được hai vấn đề lớn cấp thiết: thị trường mà sản phẩm sẽ hướng tới và cách thức để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường đó. Đây cũng chính là những điểm yếu mà đa phần người nông dân gặp phải hiện nay.

Thời gian vừa qua, AgriDataGo đã hoàn thành và đang kiểm tra dữ liệu về tôm và sầu riêng, đồng thời thu thập thông tin, đánh giá nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil và các thị trường tiềm năng khác.

Theo ông Ninh, giai đoạn 2 (6-12/2025) nền tảng số này sẽ mở rộng tính năng và cung ứng dịch vụ quản lý chất lượng sản phẩm OCOP sau công nhận và phần mềm miễn phí đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) đề xuất phát triển phần mềm AgriDataGo theo hướng tích hợp dữ liệu phân tích thị trường và điều kiện môi trường. Bởi theo ông, khi có sự tích hợp dữ liệu sẽ cung cấp cảnh báo sớm cho nông dân, giúp bà con chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. 

Hơn nữa, thông qua nền tảng số AgriDataGo không chỉ hỗ trợ theo dõi tình trạng cây trồng qua hình ảnh mà cần tích hợp thông tin cảnh báo sâu bệnh và giải pháp cụ thể khi nông dân đăng tải dữ liệu, vị đại diện này gợi mở.

Hà Giang