TikTok, Facebook cũng đã tuân thủ nghĩa vụ thuế

Theo đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok... đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2023.

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết tháng 11/2024 đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...

Với số doanh nghiệp đăng ký thuế ngày một tăng, lũy kế từ tháng 3/2022 (thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành), các doanh nghiệp ngoại đã nộp 20.174 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Đáng chú ý, các tên tuổi lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... đang nắm giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đều đã tuân thủ nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 bán hàng vào Việt Nam dù chưa kịp đăng ký kinh doanh với nhà chức trách nhưng cũng đã có văn bản với ngành thuế để thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài. Dù tự kê khai, hay ngành Thuế thanh kiểm tra thì doanh thu, dữ liệu bán hàng của các nền tảng này cũng đang được ngành thuế nắm rất chắc nhằm tránh các hành vi gian lận, trốn thuế (nếu có).

z6134159411646_d25e6b462535ab66b6d022333643e0f3.jpg
Tính đến tháng 11/2024, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Ngăn chặn hiệu quả hành vi trốn thuế

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhờ các biện pháp quản lý thuế khoa học và hiệu quả nên tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,65 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Với riêng lĩnh vực TMĐT, ông Cường cho biết, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh buôn bán và thực hiện nghĩa vụ thuế. Được biết, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, ngành thuế đã cán mốc thu trên 50.000 tỷ đồng thuế kinh doanh TMĐT. Ngoài ra, hơn 31.500 người là chủ hộ bán hàng online cũng đang được đưa vào “tầm ngắm”, qua đó kỳ vọng tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế được bổ sung vào ngân sách Nhà nước.

Nói thêm về các biện pháp ngăn chặn hành vi trốn thuế, chúng ta còn nhớ hồi tháng 11/2024, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (38 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra về tội trốn thuế. Theo hồ sơ, Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phát hiện Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… để bán điện thoại, phụ kiện.

Từ năm 2019 đến tháng 11/2024, Cường bán hàng thu về doanh thu hơn 160 tỉ đồng, nhưng lại dùng nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định. Cảnh sát xác định Cường trốn thuế khoảng 2,5 tỉ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Quay lại quy mô thị trường và dư địa thu ngân sách từ thuế lĩnh vực TMĐT, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2024 đã là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Do vậy, việc một số người kinh doanh truyền thống chuyển sang hình thức TMĐT muốn né tránh sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành thuế. Tuy nhiên, khi CSDL của ngành thuế ngày một hoàn thiện thì các hành vi trốn thuế không thể nào qua mặt được.

Nói rõ về nghiệp vụ này, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, sau 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/10/2022 về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam và công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, việc cập nhật và chia sẻ dữ liệu TMĐT, chống thất thu thuế đã được quản lý rất tốt trên nền tảng số.

Theo đó, việc kê khai, nộp thuế đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Hiện Tổng cục Thuế đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Cụ thể, hiện ngành đang quản lý 88.147 cá nhân tham gia các sàn giao dịch TMĐT; số lượng doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT là 35.131; doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là 361 đơn vị; doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24 đơn vị, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96 đơn vị. Tính đến tháng 11/2024, ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.