Phải dự báo được thị trường, xem người tiêu dùng cần gì
Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao cho ngành nông nghiệp. Kết quả này đã khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, sáng 31/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước. Trong đó, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này, chúng ta sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng.
Như thế có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta không thấm tháp gì so với thị trường này, nhất là chúng ta lại có ưu thế là các sản phẩm vùng nhiệt đới. “Tôi tin rằng tiềm năng và dư địa còn rất lớn, làm sao khai thác được tiềm năng này?”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở.
Song, để khai thác được tiềm năng thị trường, vấn đề quan trọng cần phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất để sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng ổn định, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, phải tổ chức được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ phải là doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề tiếp cận thị trường. Theo ông, phải xác định thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng…
Ở mỗi thị trường có một đặc tính riêng, một yêu cầu riêng. Bộ Công Thương cũng giống như các Thương vụ ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sản xuất. Như Thủ tướng nói, chúng ta phải cung cấp cho thị trường những thứ họ cần chứ không phải những thứ ta có.
“Bộ đang khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Vì nếu không có cơ sở dùng chung thì chúng ta không áp dụng được công nghệ, AI…”, ông Diên cho hay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải xây dựng thương hiệu nông sản, song song với đó phải đầu tư chế biến sâu.
Nhưng để làm được hai vấn đề trên thì phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có. Thủ tướng nhấn mạnh, hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải nỗ lực hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan đẩy mạnh tìm hiểu, dự báo thị trường, kết nối thị trường. Ví dụ chúng ta đang có mấy mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, gạo, cá tra, cà phê,… thì phải dự báo thị trường để có chính sách điều tiết, xác định các mặt hàng cần tập trung phát triển.
Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, cách đây 40 năm, chúng ta có nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp, và mới đây nhất chúng ta có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết này ký ban hành đúng ngày 22/12, được ví như nghị quyết khoán 10 trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để làm sao chúng ta không chỉ sản xuất đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể dư thừa phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Hùng, Nghị quyết 57 yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là "số hoá" nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra.
Với ứng dụng này, bà con có thể chứng minh được quả cà chua tại vườn nhà mình có sự khác biệt, chất lượng, duy nhất như thế nào so với quả cà chua của nhà khác.
Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để bà con trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn, ví dụ cần 10 việc thì phần mềm số có thể giải quyết được 7-8 việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Tại hội nghị, chuyển đổi số là 1 trong 9 vấn đề quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu...
"Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.
Hà Giang