CTCP Bến xe Miền Tây (mã WCS) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 14.400 đồng, cao hơn so với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Ngày đăng ký cuối cùng để nhận tạm ứng cổ tức là 15/3 và ngày thanh toán là 28/3.

Với quy mô vốn khá nhỏ, ở mức 25 tỷ đồng, ước tính Bến xe Miền Tây sẽ chi 36 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.

Như vậy, ngay trong tháng 3 này, các cổ đông lớn nhỏ của Bến xe Miền Tây sẽ thu về một lượng tiền khá lớn cổ tức. Các cổ đông lớn sẽ là người hưởng lợi chính, với những cái tên như Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (sở hữu 51%); quỹ đầu tư America LLC (23,08%); CTCP Đầu tư Thái Bình (10%).

Bến xe Miền Tây là doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất đầu năm mới 2024, vượt xa so với các doanh nghiệp đứng tiếp sau như: CTCP Sữa Quốc tế - mã IDP (tạm ứng đợt 1 năm 2023 với 85%), Thủy điện Thác Mơ - mã TMP (tạm ứng cổ đợt 3 năm 2023 với 38,83%); Traphaco - mã TRA (tạm ứng đợt 1 năm 2023 với 20%)...

Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức 144% của Bến xe Miền Tây (tạm ứng cho năm 2023) chưa phải là mức cao nhất của doanh nghiệp này.

Trước đó, trong năm 2018 và năm 2019, Bến xe Miền Tây gây xôn xao khi trả cổ tức lên đến 400% và 516%, dẫn đầu thị trường chứng khoán, vượt xa và gấp 10-50 lần so với các tập đoàn lớn trên thị trường như Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, nhóm cổ phiếu Vingroup, Vinhomes... của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang,... Nhiều ông lớn như Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh nhiều năm không trả cổ tức.

Trên thực tế, khó có thể so sánh giữa một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với các tập đoàn lớn về hiệu quả hoạt động dựa trên mức trả cổ tức. Bởi nhiều tập đoàn hướng tới các mục tiêu rất lớn. Để phát triển thành các đế chế, có thể vươn ra thế giới hay đứng đầu ngành ở thị trường trong nước, lãnh đạo các tập đoàn và cổ đông có thể hy sinh lợi ích trước mắt. Cổ tức có thể ít nhưng quy mô doanh nghiệp sẽ lớn mạnh, thực hiện được các dự án lớn, giá cổ phiếu có thể bay xa về dài hạn.

ben xe mien tay.jpg
Bến xe Miền Tây. Ảnh: Báo Giao thông

Dù vậy, cổ tức khủng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp “bé hạt tiêu” bay cao cũng phần nào cho thấy hiệu quả của các doanh nghiệp này.

Cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây hiện có thị giá cao hàng đầu trên thị trường chứng khoán. Trong khi cổ phiếu nhiều tập đoàn lớn rớt mạnh từ trên dưới 100.000 đồng xuống 30.000-50.000 đồng/cp trong vòng một năm qua, cổ phiếu WCS vẫn ở mức rất cao. Trong phiên 1/3, WCS tăng thêm 9.000 đồng lên 202.100 đồng/cp, chỉ xếp sau VNZ với 600.000 đồng/cp.

Sở dĩ Bến xe Miền Tây trả cổ tức cao là bởi doanh nghiệp này liên tục có kết quả kinh doanh tốt, kể cả trong thời kỳ Covid-19.

Trong năm 2023, WCS ghi nhận doanh thu thuần tăng 49% lên mức cao kỷ lục, hơn 140 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng mạnh 73% lên gần 67 tỷ đồng.

Là một trong những bến xe lớn nhất TP.HCM, Bến xe Miền Tây còn có mảnh đất vàng diện tích hơn 4,7ha. Công ty hoạt động từ năm 1973. Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản, bến xe tiếp tục hoạt động và trực thuộc Sở GTVT TP.HCM. Năm 2006, Bến xe Miền Tây chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, tới năm 2020 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).