Cả hai loại khoai đều giàu tinh bột, có thể ăn riêng hoặc kết hợp chế biến với các thực phẩm khác. Khoai lang thường được ca ngợi nhiều về tác dụng với sức khỏe, đặc biệt khi so sánh với khoai tây. Tuy nhiên, phân tích của các nhà khoa học đăng tải trên Nutritics cho kết quả đáng suy ngẫm. 

100g chưa nấu chín Khoai lang Khoai tây
Năng lượng 86 calo 80 calo
Carbohydrate 19,7g 17,9g
Protein 1,2g 1,9g
Chất béo 0,3g 0,1g
Nước 74g 78g

Khi chưa nấu chín, hai loại khoai khá giống nhau về năng lượng, carbohydrate, chất béo hay protein. Nhưng khi luộc và nướng, sự khác biệt đã được thấy rõ. 

khoai luoc 1.jpg
So sánh các chất có trong 100g khoai lang và khoai tây khi luộc

Theo đó, khoai lang luộc chứa lượng đường nhiều hơn 14 lần so với khoai tây (11,6g so với 0,8g trên 100g). Phần lớn đường trong khoai lang từ sucrose, thêm một ít glucose và fructose. 

Hai loại khoai chứa lượng chất xơ tương tự nhau (khoai lang là 2,1g và khoai tây là 1,6g trong 100g). Tuy nhiên, khoai tây luộc chứa lượng tinh bột gần như gấp đôi. Trong 100g khoai tây chứa 15,2g tinh bột, con số này ở khoai lang là 8,1g. 

Về vi chất dinh dưỡng, khoai lang luộc có vitamin C, magie, canxi, sắt và phốt pho trong khi khoai tây chiếm ưu thế về kali, vitamin B1 và axit folic.

khoai nuong.jpg
So sánh các chất có trong 100g khoai lang và khoai tây khi nướng

Khi nướng, lượng calo, carbohydrate và chất béo trong khoai lang nướng cao hơn nhưng lượng protein thấp hơn. Khoai lang nướng chứa nhiều chất xơ gấp đôi khoai tây, ít tinh bột hơn nhưng nhiều đường hơn.

Về các vi chất dinh dưỡng, khoai lang nướng chiếm ưu thế hơn hẳn. Khoai lang có nhiều vitamin A và C còn khoai tây có hàm lượng axit folic và vitamin B1, ​​B3 cao. 

Theo Nutritics, sau khi xem xét thành phần dinh dưỡng của cả khoai lang - khoai tây luộc và nướng, thật khó để đánh giá loại nào vượt trội hơn hẳn. Khoai lang chứa nhiều vi chất dinh dưỡng nhưng khoai tây có ít chất béo và ít đường hơn. Bởi vậy, bạn nên ăn điều độ cả hai loại thực phẩm này.