Bên cạnh lợi nhuận, nợ xấu, cổ tức… thì thù lao của lãnh đạo là một vấn đề nóng tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng đang diễn ra. Một số ngân hàng dự kiến sẽ mạnh tay khi trích ra một số tiền lớn cho các lãnh đạo đơn vị trong năm 2016.

Ngày 15.4, Nam A Bank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Trong đại hội này, bên cạnh việc thực hiện niêm yết chứng khoán, trong tài liệu gửi đến cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận năm 2015 của Nam A Bank, cổ đông đã thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, tỷ lệ lãi cổ phần bình quân năm 2015 là 5%.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức này vấp phải một số ý kiến phản đối của một số cổ đông. Theo số cổ đông này, Nam A Bank đã hoạt động tốt trong năm 2015 thì việc chia cổ tức là 5% là chưa hợp lý. Đồng thời, ngân sách hoạt động và thù lao cho Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát từ 15 tỉ đồng năm 2015 nâng lên 18 tỉ trong năm 2016 là khá cao.

{keywords}
Lương lãnh đạo ngân hàng nào cao nhất?

Lý giải về ý kiến trên, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, nói mặc dù Nam A Bank có kết quả kinh doanh tốt nhưng ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng để nâng cao năng lực tài chính. Còn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư và phát triển.

“Mặc dù cổ đông nói thấp nhưng nhìn vào số liệu hoạt động năm 2015 thì có thể thấy mức chia cổ tức 5% của Nam A Bank so với bình quân ngành là tương đối cao. Tuy nhiên, mức chia này vẫn chưa đáp ứng được mong chờ của cổ đông do thị trường kinh tế đang phát triển khá khó khăn.

Còn mức thù lao 18 tỉ đồng cho HĐQT trong năm 2016 ngoài tiền lương thì đó còn là chi phí phục vụ cho các hoạt động của ngân hàng như tiền thuê các đơn vị tư vấn, quảng bá…”, ông Tân nói.

Trong khi đó, tại Vietcombank, với mức lãi sau thuế năm 2015 đạt 5.314 tỉ đồng, tăng 722 tỉ đồng, tương ứng 15,7% so với 2014 nên không có gì lạ khi các lãnh đạo của nhà băng này luôn nhận mức tiền tỉ.

Theo tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 mới diễn ra ngày 15.4, ngân hàng này nói rằng cổ đông đã thông qua mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế, tương đương 18,66 tỉ đồng. Như vậy, với quỹ thù lao đã được cổ đông phê duyệt, trung bình mỗi nhà lãnh đạo trong HĐQT và Ban Kiểm soát Vietcombank được nhận gần 1,9 tỉ đồng/năm.

Không kém cạnh, thù lao dành cho HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2016 tại Ngân hàng OCB được thông qua là 8,2 tỉ đồng. Hiện tại, với 8 người là thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát thì tính ra mỗi người sẽ nhận khoảng hơn một tỉ đồng trong năm 2016.

Còn trong đại hội cổ đông thường niên vừa mới diễn ra vào đầu tháng 4, cổ đông Ngân hàng ACB đã thông qua mức thù lao của HĐQT là 6,9 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2015. Như vậy, với số lượng thành viên HĐQT là 9 người, tính ra mỗi người sẽ nhận được khoảng 767 triệu đồng/năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 11.4, cổ đông Bac A Bank đã thông qua kế hoạch năm 2016 với tổng tài sản tăng 12%, lên 71.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 400 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Về thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát, Bac A Bank đề xuất cổ đông chấp thuận thù lao bằng 0,25% lợi nhuận sau thuế năm 2016, ngang bằng so với năm 2015.

Đối với VPBank, thù lao HĐQT và Ban Kiểm soát đã được cổ đông phê duyệt là 1% lợi nhuận hợp nhất trước thuế. Với mức lợi nhuận 2.000 tỉ đồng, ngân sách chi thù lao tương ứng khoảng 20 tỉ đồng. Mặc dù vậy, ngân hàng này cho rằng tổng mức thù lao chi thực tế sẽ chỉ khoảng 10,2 tỉ đồng.

Theo MTG