LTS: Trong khi nguồn cung nhà ở liên tiếp sụt giảm khiến nhu cầu nhà ở của người dân rất bức thiết thì hàng nghìn căn hộ tái định cư lại đang bị bỏ hoang xuống cấp do không có người ở. Đây là câu chuyện không mới nhưng nhiều năm nay chưa thể giải quyết. Giải pháp nào để nhanh chóng tháo gỡ nghịch lý trên, xoá bỏ thực trạng “nhà xây xong không ai ở”. VietNamNet giới thiệu tuyến bài với góc nhìn đa chiều về nhà ở tái định cư hiện nay.

Trong lúc nhu cầu nhà ở giá trung bình, nhà ở xã hội còn rất lớn, thì Hà Nội lại còn nhiều dự án chung cư tái định cư xây dựng rồi bị bỏ không, để cỏ dại rêu mốc xâm lấn. Rất nhiều toà nhà mọc lên sừng sững trên các khu đất vàng cả chục năm qua rồi lâm vào cảnh "đắp chiếu".

Điển hình như dự án trên phố Duy Tân của quận Cầu Giấy; hay dự án KĐT Sài Đồng, dự án trên đường Lý Sơn của quận Long Biên. Hoặc như dự án có “view triệu đô” nhìn thẳng ra hồ Đền Lừ...

VietNamNet đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội để tìm câu trả lời cho tình trạng xót xa này. 

Chưa được nghiệm thu vì điều kiện phòng cháy chữa cháy thay đổi

Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, trong số 9 dự án hiện nay, dự án xây dựng nhà ở tái định cư (TĐC) tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) phục vụ GPMB công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã hoàn thành nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bố trí tái định cư.

Còn lại, 7 dự án đang thi công xây dựng, như dự án khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 khu TĐC tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), dự án xây dựng nhà ở GPMB tại nhà N01 lô đất C17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy, dự án xây dựng nhà ở GPMB ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), dự án xây dựng khu nhà ở TĐC phường Xuân La, quận Tây Hồ (nhà B)...

“Toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được thành phố bố trí TĐC phục vụ cho các dự án cần GPMB trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay. 

W-1  Tái định cư   bất động sản   số 1 Duy Tân (4).jpg
Những khối nhà tái định cư án ngữ đất vàng Hà Nội ‘đắp chiếu’ nhiều năm. Ảnh: Thạch Thảo

Nói về lý do các dự án TĐC chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết do "nhiều khó khăn vướng mắc".

Có thể kể đến như việc các căn hộ đã được bố trí cho các dự án có GPMB để công khai lập phương án và phê duyệt phương án. Tuy nhiên, do tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án GPMB chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà. 

Ngoài ra, các dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu. 

Hay các dự án đã có quyết định thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đến nay chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nghiệm thu đủ điểu kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân TĐC theo quy định. 

Về vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, UBND TP đã giao Sở Y tế chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao hoàn trả lại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các dự án nhà ở TĐC. 

Sẽ đề xuất bán đấu giá

Trước thực trạng hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang không người ở, nhiều ý kiến đề xuất chuyển các căn TĐC sang nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng cho hay, quy định tại Luật Nhà ở 2023 về các trường hợp được chuyển đổi công năng nhà ở trong đó có việc chuyển đổi từ nhà ở phục vụ TĐC sang nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định 95 năm 2024 quy định, việc chuyển đổi công năng từ nhà ở phục vụ TĐC sang nhà ở xã hội chỉ được thực hiện khi tại khu vực có nhà ở cần chuyển đổi không còn nhu cầu về nhà ở phục vụ TĐC và nhà ở chuyển đổi có diện tích phù hợp với tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. 

W-4   Tái định cư   Bất động sản   giãn dân phố cổ   đường Lý Sơn (16).jpg
Đề xuất bán đấu giá thu hồi vốn đối với quỹ nhà TĐC nếu sau khi đã bố trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết. Ảnh: Thạch Thảo

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn bộ quỹ nhà tại các dự án TĐC đã được thành phố bố trí TĐC phục vụ cho các dự án cần GPMB trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm. 

“Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện nơi có dự án TĐC, rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà ở TĐC tham mưu, báo cáo UBND TP theo quy định pháp luật hiện hành”, đại diện Sở Xây dựng thông tin. 

Bàn về giải pháp để sớm đưa các dự án nhà TĐC vào hoạt động, khai thác hiệu quả, Sở Xây dựng cho hay, Sở đã báo cáo, đề xuất UBND TP, trong đó, đối với quỹ nhà TĐC nếu sau khi đã bố trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn. 

“Đối với 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thành phố đã giao Trung tâm quản lý nhà TP Hà Nội do Sở Xây dựng quản lý, bán nhà TĐC theo quy định”, Sở Xây dựng cho biết. 

Bên cạnh đó, đề nghị UBND cấp huyện nơi có dự án, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các thủ tục như điều chỉnh dự án, bố trí vốn, tiếp nhận bàn giao sau khi sử dụng cơ sở thu dung điều trị Covid-19… để hoàn thành thi công xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng chậm nhất trong quý IV/2024.  

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo TĐC tại các dự án GPMB trên địa bàn thành phố. Các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc thành phố phải bố trí chỗ ở tạm thời. 

Bài sau: Gỡ đống tiền 'chôn' trong nhà tái định cư bỏ hoang, bơm cung nhà ở xã hội