Theo Sở Y tế TPHCM, 9 tháng đầu năm Sở cùng các quận, huyện đã khám chữa bệnh cho gần 1 triệu lượt người cao tuổi. Riêng tháng 9/2023, đã có 13.773 người cao tuổi được khám sức khỏe trên tổng số 20.079 người cao tuổi được 61 phường, xã mời ra trạm y tế khám và tầm soát bệnh.

Theo Sở Y tế, người cao tuổi đang sinh sống tại TP.HCM cũng mắc nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khoẻ như người cao tuổi cả nước. Tuy nhiên, do mức sống của cư dân thành phố có tốt hơn nhiều địa phương nên những bệnh lý và tỉ lệ mắc bệnh cũng có những khác biệt.

Cụ thể, những bệnh người cao tuổi TP.HCM mắc đứng đầu là tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 52,27%), tiếp đến là đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiền sử ung thư.

anh 1.jpg
9 tháng đầu năm, Sở Y tế TP.HCM cùng các quận, huyện đã khám chữa bệnh cho gần 1 triệu lượt người cao tuổi.

Tỉ lệ phân bổ các nhóm bệnh được thống kê như sau: Cao huyết áp là 7.199 người, chiếm tỷ lệ 52,27%, trong đó, số người có tiền sử cao huyết áp là 6.174 người (44,83%) và mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 1.025 người (7,44%); Đái tháo đường là 2.070 người, chiếm tỷ lệ 15,03%, trong đó số người có chỉ số đường huyết cao mới được phát hiện qua quá trình khám sức khỏe là 2.060 người (14,96%); hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 367 người có tiền sử hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chiếm tỷ lệ 2,66%, qua khám sức khỏe ghi nhận có 168 trường hợp nghi hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (1,22%); 170 người có tiền sử ghi nhận mắc bệnh ung thư, chiếm tỷ lệ 1,23%, qua khám sàng lọc phát hiện 360 người (2,61%) có dấu hiệu nghi ngờ ung thư và được giới thiệu bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán xác định.

Cũng theo Sở Y tế thành phố, qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ, nhân viên y tế còn phát hiện có 420 người (3,05%) có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng; có 295 người (2,14%) có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng; 2.277 người có dấu hiệu tiền suy yếu (16,53%); 69 trường hợp (0,50%) có dấu hiệu suy yếu; 2.727 người (19,8%) có nguy cơ té ngã.

Đồng thời ghi nhận 231 người (1,68%) phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, di chuyển); 874 người (6,35%) phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ).

Được biết, các hoạt động thăm khám định kỳ trên nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế thành phố. Theo đó, TP.HCM ước chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Lê Giáp Việt Hoàng, Nguyễn Thị Khánh Hòa, Phạm Thu Huyền, Tô Mỹ Bình, Nguyễn Thành Huế