Vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp vào 14/11 (giờ Việt Nam, tối 13/11 giờ Pháp) do IS đứng ra nhận trách nhiệm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 127 người và trên 300 người bị thương. Cơ quan chức năng trong khối liên minh Châu Âu vẫn đang làm việc rất chặt chẽ với nhau để hiểu cách thức chúng lên kế hoạch. Tuy nhiên, một tình tiết quan trọng của vụ việc mới được tiết lộ có liên quan trực tiếp tới PS4, một trong những nền tảng chơi game phổ biến nhất thế giới.

Trong quá trình truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm (8 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt tại 6 địa điểm, nhưng tình báo Pháp xác định vẫn còn nhiều kẻ đồng lõa khác), một số địa điểm tại Brussels, Bỉ đã bị cảnh sát nước này đột kích. Họ phát hiện ra được các bằng chứng quan trọng liên quan tới việc PS4 đóng vai trò là kênh giao tiếp chủ yếu của mạng lưới IS tại Pháp, Bỉ và nhiều quốc gia khác. Trưởng ban nội vụ liên bang của Bỉ, Jan Jambon thậm chí còn nhận định thẳng thửng rằng PS4 trở thành công cụ quan trọng giúp các đơn vị IS kết nối với nhau và trên thực tế là rất khó để kiểm soát:

PlayStation 4 thậm chí còn khó theo dõi hơn cả WhatsApp (một trình chat phổ biến tại Châu Âu, có chức năng gần giống Zalo và LINE tại Việt Nam).

Lực lượng đặc biệt của Bỉ tấn công vào địa điểm tình nghi tại Molenbeek St-Jean, ngoại ô Bỉ bắt giữ 7 nghi phạm có liên quan tới vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, Pháp hôm 14/11, giờ Việt Nam.

Sony có thể sẽ phải hối hận về những gì mình đã làm với hệ thống bảo mật nửa vời của PlayStation khi cơ quan chức năng đang tập trung phân tích hệ thống của hãng và nhận ra rằng nó có tính bảo mặt rất thấp. Hệ thống Camera của PlayStation rất dễ bị hack và hoàn toàn có thể bị kẻ khác lợi dụng để quan sát hoạt động của người chơi. Mặt khác, với PlayStation Network, nó cũng cung cấp một kênh trao đổi vô cùng hiệu quả với những kẻ khủng bố. Hệ thống của Sony không phải là hệ thống được làm chặt chẽ với hàng tá những thứ an ninh vì mục đích ban đầu của  hãng cũng chỉ là phục vụ cho các game thủ chơi game mà thôi. Chính bởi một hệ thống low-tech như vậy, nó lại trở thành một kênh rất an toàn để gửi email, văn bản, các dòng mã hóa giữa các đơn vị khủng bố. Các câu từ tưởng như vô nghĩa, chỉ có nội dung game lại mang các thông điệp quan trọng về thời gian và cách thức khủng bố.

Điều này dường như có vẻ rất đúng vì theo một tài liệu rò rỉ của Edward Snowden, một điệp viên của NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ) đã đảo ngũ sang Nga: Cả NSA và CIA đã từng thực sự phải đóng vai trò là một game thủ trong thế giới World of Warcraft để thâm nhập vào các băng đảng và các đơn vị khủng bố trong thế giới ảo.

Nhưng PSN không phải là nền tảng duy nhất có thể xảy ra những việc này. Năm 2010, FBI từng cài cắm người trên khắp cả hệ thống Xbox Live của Microsoft nhằm khám phá ra một đường dây liên quan tới ấu dâm, lừa lọc và buôn bán trẻ em. Các tin nhắn, lời chat thông qua hệ thống Peer-to-peer trở thành công cụ hoàn hảo để những kẻ bệnh hoạn, khủng bố và cả tội phạm trao đổi kế hoạch với nhau, trong khi lực lượng FBI quá mỏng để có thể theo dõi hết.

Điều cuối cùng, cũng là thứ đáng sợ nhất trong những gì mà tôi nói ở trên đó là việc có khoảng 110 triệu người sử dụng hệ thống PSN với 65 triệu người hoạt động thường xuyên. Nó tương đương với dân số của cả một quốc gia cỡ nhỏ. Trong khi các cơ quan chính phủ sử dụng hồ sơ gốc, giấy khai sinh, số ID(CMT) để theo dõi một người ngoài đời thực thì trong thế giới ảo việc này là vô cùng khó khăn. Làm sao bạn có thể vào xem Profile của một người nào đó nếu không được cấp quyền để thực hiện, việc đó phụ thuộc vào cách họ làm việc với Sony và PlayStation. Hãy tưởng tượng việc 2 kẻ khủng bố bàn bạc với nhau bằng cách bắn những phát đạn lên tường để nói chuyện hay setup các đồng xu trong Super Mario Maker để chỉ đường tấn công mà không thông qua các trình chat và voice-chat thông thường, việc theo dõi chúng là bất khả thi vào lúc này vì không thể đủ người.

Trong khi các bên vẫn còn đang đổ lỗi cho nhau trong trách nhiệm để xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở Pháp, trong khi tình báo Châu Âu bất lực vì không thể xác định trước cuộc tấn công và cả trong khi những dân thường vô tội đang lo đến mất ăn mất ngủ vì chẳng biết bao giờ chết thì có lẽ Microsoft và Sony sẽ phải làm gì đó để ngăn chặn tình trạng này. Hoặc họ sẽ bị buộc phải để mở các profile, chỉnh lại quyền riêng tư để nhiều đơn vị tình báo có thể theo dõi, truy quét người dùng khi có dấu hiệu đáng ngờ.

Các thế hệ chơi game đang làm tốt phần việc của nó trong việc tăng trải nghiệm người dùng nhưng xét trên một khía cạnh nào đó, nó cũng vô tình trở thành mối nguy hại tiềm tàng của nhân loại.

 

 

theo game4v