Sau gần 3 tháng ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trị giá 800 triệu USD ở Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình, công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã đưa 2 chiếc xe mẫu đầu tiên về Việt Nam để nghiên cứu và thăm dò thị trường.
Theo ghi nhận của VietNamNet, bộ đôi này là phiên bản tiêu chuẩn và phiên bản nâng cao của mẫu xe Omoda C5 thuộc phân khúc SUV cỡ B. Đây là phân khúc chật chội nhất ở Việt Nam với hơn 10 mẫu gồm nhiều cái tên "hot" như Hyundai Creta, KIA Setlos, Mazda CX-3, Honda HR-V, Toyota Corolla Cross, Toyota Yaris Cross, MG ZS, Peugeot 2008... và gần đây là tân binh Mitsubishi Xforce.
Mẫu ô tô Trung Quốc mang phong cách thể thao, kiểu dáng khá to lớn với kích cỡ nhỉnh hơn hẳn KIA Seltos, Hyundai Creta, Mazda CX-3 và gần tương đương với Toyota Corolla Cross. Xe có kích thước dài x rộng x cao là 4.400 x 1.830 x 1.588 (mm) cùng chiều dài trục cơ sở là 2.630 mm.
Nội ngoại thất của Omoda C5 không quá đặc sắc và khác biệt khi có các trang bị tương đồng với hầu hết các mẫu SUV- B Nhật- Hàn hiện nay. Các trang bị tiêu biểu phổ biến theo xu thế chung gồm có ghế trước thể thao, vô lăng dạng D-cut, bảng đồng hồ kỹ thuật số, màn hình cảm ứng trung tâm, sạc điện thoại không dây. Bản tiêu chuẩn trang bị ghế chỉnh cơ, bọc giả da pha nỉ, bản nâng cao dùng ghế da chỉnh điện và được trang bị cửa sổ trời như nhiều phiên bản nâng cao của các mẫu SUV -B khác.
Tuy nhiên, ở bên trong xe, chi tiết có lẽ kém hấp dẫn nhất với người dùng Việt Nam là thiết kế bệ cần số khá lớn, kiểu dáng vuông vắn, gây tốn diện tích, tuy giúp cho việc tỳ tay tiện lợi nhưng lại không mang tính thẩm mỹ cao như thiết kế ở các mẫu SUV Hàn Quốc.
Núm xoay điều khiển màn hình trên bệ cần số lại khá nhỏ, khó thao tác. Trong khi ở các mẫu SUV khác, chi tiết này được thiết kế to hơn, thuận tiện cho thao tác của người lái.
Bù lại cho nội ngoại thất không đặc sắc, Omoda C5 có điểm cộng ở hệ thống an toàn và động cơ. Mẫu xe có 6 túi khí, camera 360 độ và 14 tính năng an toàn chủ động ADAS. Đây là hệ thống ít có ở các mẫu SUV cỡ B tại Việt Nam ngoại trừ Mitsubishi Xforce, Toyota Corolla Cross, Honda HR-V.
Động cơ trên Omoda C5 là loại tăng áp dung tích 1.5L, công suất 150 mã lực và mô-men xoắn 230 Nm, cùng hộp số CVT 9 cấp. Với thông số này, mẫu SUV Trung Quốc vận hành mạnh nhất phân khúc khi mã lực lớn hơn hẳn so với nhiều mẫu như Mitsubishi Xforce động cơ 1.5L- 105 mã lực, Honda HR-V động cơ turbo 1.5L-119 mã lực, Toyota Corolla Cross động cơ 1.8L - 138 mã lực, KIA Seltos động cơ 1.4 tubor - 138 mã lực.
Tuy nhiên, xe chỉ có 2 chế độ là lái thể thao và lái tiết kiệm, đơn giản hơn so với một số mẫu xe thường có 3-4 chế lái thiết thực phù hợp với điều kiện địa hình và thời tiết đa dạng ở Việt Nam như đường ngập nước, đường sỏi đá, bùn lầy...
Dự kiến, phiên bản thương mại Omoda C5 sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối năm nay dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia trước khi chuyển sang lắp ráp vào cuối năm 2025. Giá bán của Omoda C5 tại Việt Nam chưa được tiết lộ nhưng được đồn đoán nằm trong khoảng 700-800 triệu đồng, cao hơn Kia Seltos (649 - 749 triệu), Mazda CX-3 (649-729 triệu), Hyundai Creta (640 - 740 triệu), MG ZS (528 - 628 triệu) nhưng rẻ hơn các mẫu Honda HR-V (826 - 871 triệu đồng), Toyota Corolla Cross (746 - 936 triệu đồng) và Mazda CX-30 (849-909 triệu).
Đây sẽ là mẫu xe Trung Quốc thứ 7 về Việt Nam, nối tiếp làn sóng xe Trung Quốc bùng nổ ở Việt Nam năm 2023, góp phần lấp kín các phân khúc.
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!