- Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định: “Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc một cách tinh vi”. Vì theo ông, đây là vấn đề vi phạm quyền tác giả quốc tế.

 

Có thể nói, nghi án đạo nhạc của chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, trái lại còn liên tục “leo thang”.

“Cuộc chiến” của giới chuyên môn

Nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng ngày càng trở nên ồn ào, căng thẳng hơn. Sơn Tùng M-TP – cái tên đang làm hao tổn vô số giấy mực của giới truyền thông, đã có một năm thành công và tai tiếng, khi các sản phẩm âm nhạc của anh đều làm dậy sóng dư luận theo hai phương cách: gây nghiện và gây tranh cãi. Thế nhưng, lần này, bất ngờ số đông khán giả lại đồng tình với quan điểm Sơn Tùng có hành vi đạo nhạc. Bên cạnh đó, những ý kiến trái chiều đưa ra lại rất ít và hầu như chỉ xuất phát từ các fan của chàng sĩ gốc Thái Bình.

 {keywords}

Sơn Tùng M-TP

Sau đó, vụ việc bắt đầu được đẩy đi quá xa khi giới chuyên môn vào cuộc. Nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đã lên tiếng bảo vệ cho Sơn Tùng M-TP trước cáo buộc của dư luận. Người “khai màn” là nhạc sĩ trẻ Lê Đức Hùng, người đã dùng kiến thức chuyên môn để chỉ ra những điểm không tương đồng giữa hai ca khúc dựa trên 3 luận điểm: giai điệu, lời bài hát và phần phối khí. Anh còn tỏ ra bức xúc trước bộ phận anti-fan cực đoan, mù quáng cố tìm “dìm chết” nghệ sĩ. Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Hà nhìn nhận vấn đề ở góc độ nhà sản xuất âm nhạc, anh nhận thấy phần trách nhiệm không chỉ thuộc về Sơn Tùng mà còn thuộc về cả ekip sản xuất ca khúc, mà đặc biệt là vai trò cố vấn âm nhạc.

Theo chủ trương không tranh cãi dư luận, thế nhưng sau đó nhạc sĩ Nguyễn Quang Huy – người “cầm trịch” sản xuất ca khúc Chắc ai đó sẽ về – cũng phải bức xúc lên tiếng. Anh đã lấy kinh nghiệm sản xuất âm nhạc hơn 20 năm của mình để khẳng định bài hát của Sơn Tùng không phải là đạo nhạc. Nhạc sĩ Quang Huy còn phản pháo ý kiến của bà Trương Thị Thu Dung – phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam – vì cho rằng phát ngôn của bà “nặng cảm tính”, “hồ đồ”. Để đập tan dư luận, anh đã chủ động đệ đơn giải trình lên Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ VH-TT&DL) khẳng định ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP không hề đạo nhạc.

{keywords}

Sơn Tùng M-TP đạo nhạc: khi “cuộc chiến” không còn của riêng khán giả.

Không chỉ vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung – người có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến” với các vụ việc vi phạm tác quyền ở một số quốc gia lân cận – đồng tình rằng rất khó để kết luận Sơn Tùng đã đạo nhạc, nhưng anh cũng khuyên chàng ca sĩ trẻ nên tránh việc sáng tác dựa trên beat có sẵn như vậy. Ngay cả nhạc sĩ gạo cội Thái Thịnh cũng khẳng định Sơn Tùng M-TP không đạo nhạc, đồng thời cũng cho biết chuyện sáng tác trên beat có sẵn là “hoàn toàn bình thường”. Ngoài ra, nhiều tên tuổi lớn khác trong giới chuyên môn như: PGS.TS, nhạc sĩ Thế Bảo, nhạc sĩ Phan Nhân, nghệ sĩ piano Nguyễn Thiện Phương Hạnh … cũng đứng trên quan điểm này.

Ở phía bên kia “chiến tuyến”, bà Trương Thị Thu Dung – đại diện Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam – từng chỉ trích gay gắt hành vi đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP. Bà Dung cho rằng việc Sơn Tùng đạo nhạc hết lần này đến lần khác là không tôn trọng bản thân và khán giả. Nhạc sĩ Quốc Trung chỉ ỡm ờ trên trang cá nhân: “Âm nhạc Việt Nam sẽ còn lâu mới hoà nhập và có tiếng nói trong đời sống âm nhạc thế giới nhưng bằng cách này dân tộc Việt đã dần nổi danh và trở thành 1 "thế lực" toàn cầu rồi”. Dù không trực tiếp đề cập đến ai nhưng người đọc vẫn ngầm đoán vị nhạc sĩ này đang hướng đến vụ đạo nhái rầm rộ nhất thời gian gần đây.

{keywords}

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – thành viên của Hội đồng thẩm định – cho rằng nên cấm lưu hành ca khúc Chắc ai đó sẽ về.

Sơn Tùng M-TP đã có hành vi đạo nhạc

Phát sinh từ yêu cầu thẩm định của nhạc sĩ Quang Huy, ngày 10/11/2014, Hội Âm nhạc Việt Nam, với các nhạc sĩ tên tuổi như: Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo… đã có cuộc họp theo yêu cầu của Cục Bản quyền để đưa ra kết luận cuối cùng về việc ca khúc Chắc ai đó sẽ về có đạo nhạc hay không. Kết quả là, hội đồng thẩm định đã thống nhất ý kiến cho rằng Sơn Tùng M-TP đã có hành vi đạo nhạc, và trong văn bản gửi Cục Bản quyền, hội đồng còn yêu cầu nam ca sĩ chấm dứt hành động này.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định: “Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc một cách tinh vi”. Vì theo ông, đây là vấn đề vi phạm quyền tác giả quốc tế. Vị nhạc sĩ lão làng này cũng cho rằng nên có biện pháp xử lý nặng tay, chẳng hạn như cấm lưu hành ca khúc Chắc ai đó sẽ về. Hai nhạc sĩ khác là Trương Ngọc Ninh và Đỗ Bảo cũng chung quan điểm, thể hiện rõ ràng trong văn bản thẩm định gửi đến Cục Bản quyền.

Trách nhiệm thuộc về ai?

 Khi scandal đạo nhái của Sơn Tùng xuất hiện trên mặt báo, ít ai nghĩ rằng vụ việc có thể “leo thang” và có sức ảnh hưởng lớn đến vậy. Chưa bao giờ khán giả thấy một nghi án đạo nhạc (chưa đến mức độ tranh chấp) của một ca sĩ trẻ lại thu hút đông đảo sự quan tâm từ nhiều phía dư luận đến thế. Nhất là từ khi khán giả, rồi đến giới chuyên môn, và cuối cùng là cơ quan chức năng vào cuộc thì câu chuyện đã không còn là phân định đúng sai thuần túy.

Mỗi bên, dù là bảo vệ hay chỉ trích, đều có những quan điểm riêng của mình, và đều hành động, lên tiếng vì những lý do khác nhau. Tất cả chỉ còn trông chờ ở kết luận chính thức cuối cùng của Cục Bản quyền – cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định trong vụ việc này. Nhạc sĩ Quang Huy, người chủ động đệ đơn giải trình đến Cục, chỉ biết chờ đợi văn bản chính thức và “dù có thế nào vẫn tôn trọng quyết định của cơ quan chức năng”.

{keywords} 

Có thể nói, dù quyết định của Cục Bản quyền đứng về phía nào đi chăng nữa cũng sẽ tạo ra những hậu quả to lớn tương ứng với sức ảnh hưởng của vụ việc hiện nay. Kết luận Sơn Tùng đạo nhạc sẽ là một đòn giáng mạnh có phần tàn nhẫn vào sự nghiệp, danh dự của chàng ca sĩ trẻ vừa nổi lên như một hiện tượng này. Nhưng nếu kết luận Sơn Tùng không đạo nhạc lại có thể tạo thành một tiền lệ xấu, khiến các ca sĩ trẻ thế hệ sau này dựa vào đó mà làm theo, thậm chí ảnh hưởng đến danh dự của nền âm nhạc Việt Nam khi phạm vi của vụ việc này mang tầm quốc tế. Và dù quyết định cuối cùng như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ tạo ra những bất mãn, mâu thuẫn trong dư luận, đặc biệt là những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đã đứng ra lên tiếng của bên còn lại.

Câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm thuộc về ai? Thứ nhất, trách nhiệm trước hết sẽ thuộc về chính ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Là người sáng tác ca khúc Chắc ai đó sẽ về, Sơn Tùng sẽ trực tiếp chịu những hệ quả do nghi án đạo nhạc phát sinh từ đứa con tinh thần của mình. Có thể thấy, thời gian qua là giai đoạn khó khăn nhất của Sơn Tùng M-TP, khi mà anh vừa phải đối mặt với búa rìu dư luận, lại sa vào những rắc rối do tranh chấp hợp đồng lao động với công ty cũ.

Riêng nghi án đạo nhạc, bản thân Sơn Tùng M-TP hoàn toàn im lặng ngay cả khi dư luận chĩa mũi dùi vào anh. Nếu như Cục Bản quyền có văn bản chính thức kết luận anh có hành vi đạo nhạc, chắc chắn Sơn Tùng sẽ phải hứng chịu những hệ lụy nặng nề nhất đến danh dự và sự nghiệp ca hát của anh.

Thứ hai, một phần trách nhiệm sẽ thuộc về ekip sản xuất âm nhạc. Như nhạc sĩ Nguyễn Hà từng lý luận, một bản ghi âm cần phải có sự cộng tác giữa người sáng tác, người hòa âm, cố vấn âm nhạc và đặc biệt là producer - nhà sản xuất âm nhạc. Vì thế, nếu phải chịu trách nhiệm, thì chắc chắn không phải chỉ mỗi Sơn Tùng “đứng mũi chịu sào”.

Thứ ba, phần trách nhiệm thuộc về công ty quản lý. Những rắc rối phát sinh từ tranh chấp hợp đồng lao động giữa Sơn Tùng và Văn Production sẽ càng khiến việc xác định công ty quản lý nào chịu trách nhiệm trở nên khó khăn hơn. Có thể thấy, trong suốt thời gian Sơn Tùng hứng “gạch” từ dư luận, Văn Production không hề có một động thái nào bảo vệ cho ca sĩ độc quyền ngoài những lời cáo buộc anh bỏ show, tỏ thái độ, vô kỷ luật hay ban bố lệnh “cấm” diễn 6 tháng dành cho anh. Về phía We Pro – công ty mà Sơn Tùng đang có mối quan hệ “hợp tác ngoài luồng”, đại diện nhạc sĩ Quang Huy đã có những phát ngôn và hành động tích cực trong việc bảo vệ Sơn Tùng cũng như bộ phim mà anh sắp ra mắt.

Chí Tường