Khu tập thể Nghĩa Đô gồm 5 tầng với hai dãy A và B nằm tại đường Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) được đưa vào sử dụng từ năm 1976. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, đến nay các dãy nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Nhiều hộ gia đình tại đây đã mở rộng diện tích sinh hoạt, cơi nới bằng cách khoan, cắm các cọc chịu lực vào bức tường chung của nhà tập thể để dựng “chuồng cọp” làm bếp, chỗ phơi quần áo, nhà tắm,... khiến khu nhà méo mó, biến dạng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đổ sập.
Khoảng giếng trời chung của khu tập thể cũng được các hộ dân xây trụ đỡ để đua diện tích sử dụng ra không gian bên ngoài. Hiện tại, khu vực này biến thành nơi xả nước thải, rác thải, bốc mùi xú uế, mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh.
Tại khu tập thể này, những căn hộ chen chúc nhau, nhiều mảng tường bong vữa trơ cốt gạch, mạng dây điện chằng chịt, ống thoát nước lộ thiên, ô nhiễm môi trường.
Bà Nghiêm Thị Tình (người dân sống ở khu tập thể) cho biết, dù rất lo lắng, đặc biệt khó chịu vào những ngày nồm ẩm, nhưng không biết đi đâu nên vẫn phải ở đây. Bà Tình mong thành phố sớm xây dựng lại các khu tập thể cũ để người dân có nhà mới và Thủ đô không còn hình ảnh tập thể cũ kỹ, xấu xí.
Căn hộ nhà chị Hằng nhiều năm nay trong cảnh bong tróc các mảng tường, thế nhưng chị cũng không muốn sửa nữa vì càng sửa càng hỏng. “Giờ động chỗ nào hỏng chỗ đó. Mưa nhỏ nước cũng dột vào nhà, vào mùa mưa tôi phải căng bạt để thu gom nước chảy về một chỗ”, chị Hằng cho hay.
Tương tự, căn hộ nhà bà Hoa cũng xuống cấp, vữa rơi từng mảng. Gia đình bà phải làm 3 máng để hứng nước từ trên xuống tránh dột.
"Đời sống sinh hoạt của người dân khu tập thể này hết sức tạm bợ và khó khăn. Chúng tôi mong muốn sớm có dự án cải tạo chung cư để người dân không phải sống trong hoàn cảnh như thế này", bà Hoa chia sẻ.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Phan Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho biết, chính quyền rất mong muốn tiến độ dự án cải tạo khu tập thể này được đẩy nhanh.
"Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tháo gỡ trong vấn đề triển khai thực hiện dự án, nhất là về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu căn hộ", bà Yến cho biết.
Thực trạng các khu tập thể cũ xuống cấp của Hà Nội đã được đề cập, phản ánh nhiều lần, nhưng việc cải tạo, sửa chữa, xây mới đang gặp nhiều khó khăn.
UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy đã có chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án cải tạo nhà A, B Khu tập thể Nghĩa Đô từ năm 2013.
Tổng diện tích dự án hơn 7.700m2, trong đó ranh giới phía Nam giáp đường Phùng Chí Kiên, phía Bắc giáp đường Hoàng Quốc Việt, phía Đông giáp khu dân cư phường Nghĩa Đô và phía Tây giáp Công ty Bánh kẹo Tràng An.
Công trình bao gồm 515 căn hộ đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 2.100 người, trong đó tái định cư tại chỗ khoảng 246 hộ của khu nhà A và B.
Chủ đầu tư phải trả lại cho thành phố 54 căn, còn lại 215 căn doanh nghiệp kinh doanh để thu hồi vốn. Khu vực để xe công cộng và để xe cho các hộ gia đình cá nhân bố trí tại 3 tầng hầm của dự án.
UBND TP yêu cầu chủ đầu tư chỉ được thực hiện khai thác sản phẩm của dự án sau khi hoàn tất thủ tục, nghĩa vụ theo đúng quy định của Luật Đất đai, nhà ở... và các quy định khác liên quan đến dự án. Chủ đầu tư không được phép tự ý chuyển nhượng khi chưa được UBND TP chấp thuận.
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án khoảng 995 tỷ đồng, với thời gian thực hiện được tính từ quý 1/2013 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý 1/2016. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn dừng lại ở chủ trương.
Hà Nội có khoảng 1.600 nhà tập thể, chung cư cũ được xây dựng cách đây khoảng 50-60 năm, đa số hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ đổ sập, cảnh báo cấp nguy hiểm cao nhất. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 1% chung cư cũ được xây dựng, cải tạo. 14/15 quận huyện đã có kế hoạch, tiến độ chi tiết cải tạo xây mới các khu tập thể, chung cư cũ. Dự kiến quý 4 năm sau, Thành phố sẽ hoàn thành việc kiểm định. |