Chưa đầy 9 tháng kể từ khi lên nắm quyền, các cuộc thăm dò của Gallup và Rasmussen tuần trước cho thấy sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden trên toàn nước Mỹ giảm tới 10 điểm phần trăm so với những ngày đầu ông nhậm chức. Còn theo Jolting – một cuộc khảo sát mới của Harvard/Harris, đương kim Tổng thống Mỹ nhận được tỷ lệ tín nhiệm 46% trong khi người tiền nhiệm của ông, Donald Trump, nhận được 48%.
Trong khối cử tri độc lập và ở các bang chiến trường, triển vọng dành cho đảng Dân chủ của ông Biden có vẻ rất khó khăn. Tại Iowa, 62% không tán thành những việc Tổng thống đang làm, trong khi 70% cho rằng nước Mỹ "đang đi sai hướng". Michigan và Virginia cũng chứng kiến xu hướng tương tự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP |
Theo báo Anh The Guardian, có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này.
Trong nước, cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của ông Biden gây nhiều chỉ trích khi làn sóng lây nhiễm dâng cao trong mùa hè. Những vấn đề liên quan người di cư ở biên giới với Mexico còn rất nan giải dù ông đã cam kết chấm dứt. Và một dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát được ông ủng hộ đã bị Quốc hội Mỹ khai tử vào tuần trước.
Ở ngoài nước, uy tín về đối ngoại của Tổng thống Biden cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi chiến dịch rút lui khỏi Afghanistan bị lên án là ồn ào, hỗn loạn và yếu kém. Căng thẳng với Pháp về hiệp ước quốc phòng Mỹ-Anh-Australia (Aukus) càng làm trầm trọng thêm sự thất vọng đối với cam kết của chủ nhân Nhà Trắng về chủ nghĩa đa phương.
Ông Biden đã sử dụng mọi mối quan hệ lâu năm, sự quen biết cá nhân và chiến lược quyến rũ vốn có nhưng lại nhận được những kết quả không như mong muốn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã từ chối một cuộc gặp thượng đỉnh. Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, từng gặp ông Biden ở Geneva, vẫn tiếp tục hành động cứng rắn.
Trong khi đó, ông Biden phải chờ đợi nhiều ngày mới có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước. Bài phát biểu của ông Biden tại Liên Hợp Quốc hồi tuần trước được cho là khá tẻ nhạt.
Từ nay tới khi người Mỹ tổ chức bầu cử giữa kỳ trong năm 2022, ông Biden sẽ phải ban hành một chương trình nghị sự lập pháp đầy tham vọng, bao gồm kế hoạch chi tiêu xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD và gói cơ sở hạ tầng 1,1 nghìn tỷ USD.
Trong số những trở ngại mà ông phải đương đầu còn phải kể đến một đảng Cộng hòa không dễ nhượng bộ, một đa số mong manh của đảng Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện, và đặc biệt là những tiếng nói phản đối những người Dân chủ "tiến bộ".
Do vậy, Tổng thống Biden đang rất cần một chiến thắng lớn về mặt lập pháp để ngăn chặn sự sụt giảm tín nhiệm, đồng thời chứng minh cho những người hoài nghi thấy được năng lực hành động của mình. Ông cũng cần quốc hội ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa vào cuối tuần này và nguy cơ Mỹ vỡ nợ vào tháng tới, bằng cách thông qua ngân sách cho năm tài chính mới và tăng mức trần nợ công.
Một cuộc chiến đảng phái gay gắt vẫn đang diễn ra về cải cách nhập cư. Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã hứng thêm sóng gió khi chính phái viên của họ phải từ chức vì bê bối ngược đãi người di cư Haiti. Ông Biden tiếp tục chính sách răn đe trừng phạt thời ông Trump cũng khiến một số người ủng hộ cảm thấy thất vọng.
Đến nay, ông Biden đã làm được những gì? Thực sự là có nhiều thành công lớn – chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19, dự luật cứu trợ Covid trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và việc quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris.
Theo The Guardian, xu hướng thăm dò ý kiến mới nhất và động lực chính trị ở Washington cho thấy, đảng Cộng hòa có thể sẽ tiếp quản Quốc hội vào năm tới. Nếu điều này trở thành hiện thực, phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Biden sẽ bị cản trở và nguy cơ phải kết thúc nhiệm kỳ 1 mà không hoàn thành những cam kết đã đưa ra.
Tuy vậy, kịch bản u ám này vẫn có thể thay đổi.
Thanh Hảo
Ông Biden đưa ra một loạt cam kết trước Liên Hợp Quốc
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hợp tác với các đồng minh qua "một thập niên có tính quyết định đối với thế giới của chúng ta".