Với mức tiền lương trung bình 3,667 triệu đồng/người/tháng, chỉ có 18,3% công nhân “hài lòng” với công việc và thu nhập hiện tại, 16,7% công nhân “không hài lòng”, 65% “tạm hài lòng”.

Hai phần ba công nhân không có tiền tiết kiệm

Kết quả khảo sát mới nhất và đầy đủ nhất về đời sống người lao động trong các khu công nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam được Viện Công nhân và Công đoàn, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tiến hành với gần 1.900 người lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp cho thấy, 7,9% trả lời thu nhập không đủ sống; 39% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 41,2% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 11,9% có tích lũy.

{keywords}
Người lao động làm hồ sơ xin việc làm tại một trung tâm. Hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của họ đã chi hết cho cuộc sống thiết yếu hàng ngày.

Hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của người lao động đã chi hết cho cuộc sống thiết yếu hàng ngày của họ. Khi được hỏi “có tiền tiết kiệm không?”, 65,2% người lao động trả lời không có tiền tiết kiệm; 34,5% trả lời có tiền tiết kiệm, dành dụm phòng lúc khó khăn, nhưng số tiền không cao. Cụ thể: mức tiết kiệm hàng tháng của người lao động dưới 500.000 đồng là 15,5%; từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là 11,9%; từ trên 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng là 5,1%; mức trên 2 triệu đồng chỉ có 2,3%.

Số liệu khảo sát cho thấy mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của người lao động (có nuôi con) là 3,905 triệu đồng. Mức chi tiêu này cao hơn mức sống tối thiểu do Tổng cục Thống kê xác định (trong kết quả điều tra mức sống dân cư công bố năm 2012) tại vùng có điều kiện kinh tế phát triển nhất (vùng I, với mức 3,48 triệu đồng). Nó cũng cao hơn mức tiền lương trung bình mà người lao động nhận được.

Tiền lương trung bình của công nhân là 3,667 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp nợ lương và các khoản bảo hiểm nên lương bình quân chỉ còn 3,14 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, số người lao động có mức lương hàng tháng dưới 2 triệu đồng là 5,2%, dưới 3 triệu đồng là 27,8%; từ 3 triệu đến dưới 4 triệu đồng là 34%; từ 4 triệu đến dưới 5 triệu đồng là 20,9%; trên 5 triệu đồng là 17,3%. Tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, mức lương trung bình xấp xỉ 4 triệu đồng/người/ tháng; thấp nhất là ở Thái Bình, với chỉ 2,97 triệu đồng/người/tháng.

{keywords}
 

 

Làm thêm giờ, thêm bao nhiêu tiền?

Theo khảo sát trên, có 46% số người lao động làm thêm giờ, trung bình 20,5 giờ/tháng. Số tiền nhận được từ việc làm thêm giờ: mức dưới 300.000 đồng chiếm 35,9%; từ 300.000-500.000 đồng chiếm 9,2% và trên 500.000 đồng, chiếm 0,8%. Người lao động tại các doanh nghiệp dệt may, giày da, cơ khí, điện tử có số giờ làm thêm trong tháng cao hơn, trung bình 52 giờ/tháng, với mức bình quân nhận được là 451.000 đồng/tháng.

Có 48,1% số lao động được hưởng tiền chuyên cần, trung bình mỗi người đạt 227.000 đồng/tháng. 29,3% được hỗ trợ tiền đi lại (xăng xe), với mức bình quân mỗi người là 197.000 đồng/tháng. 17,3% được hỗ trợ tiền nhà ở, mức bình quân 174.000 đồng/tháng. 25,4% được hưởng phụ cấp trách nhiệm (cán bộ tổ, phân xưởng và nhân viên văn phòng), mức bình quân 310.000 đồng/tháng. 19,3% được trả phụ cấp độc hại, mức bình quân 162.000 đồng/tháng. Gần 90% được hỗ trợ tiền ăn ca, mức bình quân 15.200 đồng/bữa, tăng 11,0% so với khảo sát năm 2012.

{keywords}
 

 

Trong năm 2012, 95% doanh nghiệp có thưởng cho người lao động, chủ yếu là thưởng cuối năm, trung bình mỗi người được 1,328 triệu đồng/năm. Thấp nhất, có doanh nghiệp chỉ thưởng 50.000 đồng.

Tính trung bình cho số người lao động tham gia khảo sát, ngoài tiền lương thì tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp, trợ cấp và tiền thưởng mỗi người thêm được 510.000 đồng/tháng, tăng thêm khoảng 14% so với tiền lương.

(Theo TBKTSG)