Vướng mặt bằng
Mới đây, trong phiên họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội, UBND TPHCM cho biết, qua 5 tháng chỉ giải ngân khoảng 10.895 tỷ đồng trong số gần 80.000 tỷ phải giải ngân năm nay.
Trước kết quả này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự lo lắng và yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư phải quyết liệt hơn trong công việc, để đạt tỷ lệ giải ngân cuối năm khoảng 95%.
"Tháng 4-5, chúng ta xác định mỗi tuần giải ngân từ 3.500-4.000 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân khoảng 200 tỷ, rất thấp so với nhiệm vụ. Phải có giải pháp tạo sự chuyển biến trong tháng 6", ông Mãi chỉ đạo.
Phân tích nguyên nhân, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho hay, hiện nay nhiều dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đang quản lý 2 dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi chiếm 69% vốn, Ban cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Dũng, dự án rạch Xuyên Tâm, phần giải phóng mặt bằng tại quận Bình Thạnh với 5.400 tỷ hiện nay quận chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Dự án bờ bắc kênh Đôi với 2.700 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, TP đang tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn chưa có kết quả.
Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho rằng, với các dự án giao thông, cơ cấu giải ngân thường rơi vào quý 3-4.
Theo ông, Ban đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ khởi công và thi công các dự án. Thời gian còn lại, bình quân mỗi tháng giải ngân 1.400 tỷ đồng, hiện đã có kế hoạch cho từng dự án.
Một dự án khác là dự án khép kín Vành đai 2, với 3 đoạn còn lại dài 11km, tổng mức đầu tư thêm 30.000 tỷ đồng cũng gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ.
Trong đó, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án dừng thi công từ tháng 3/2020 (mới đạt 44% khối lượng) do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Trong văn bản phê bình 8 đơn vị mới đây, UBND TPHCM liệt kê 60 dự án, công trình chậm giải ngân vốn đầu tư công dù TP đã có chỉ đạo, đôn đốc lần 1.
Bên cạnh đó, cũng có 29 dự án, công trình chậm giải ngân đầu tư công, dù đã có chỉ đạo giải quyết các vướng mắc lần 2.
Có thể kể đến dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, đến ngày 30/4 chỉ giải ngân được 22 tỷ, đạt tỷ lệ 5% vốn đầu tư.
Dự án Vành đai 3, thành phần 2 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 110 tỷ đồng, đến 30/4 chỉ giải ngân được 15,910 tỷ, đạt tỷ lệ 14%. Thành phố đặt mục tiêu hết quý 2 phải giải ngân 33 tỷ, đạt 30% trên tổng vốn.
Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình, với tổng vốn 940 tỷ đồng, đến nay chỉ giải ngân được trên 38,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4%. Thành phố đặt mục tiêu hết quý 2 phải giải ngân được 474 tỷ, đạt tỷ lệ 50%.
43 dự án không có khả năng giải ngân năm nay
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Trung Kiên, Sở đã phân loại thành 4 nhóm dự án. Trong đó, 150 dự án với 25.460 tỷ đồng dù có khó khăn vướng mắc nhưng vẫn có thể giải ngân trong năm. 43 dự án với 3.108 tỷ đồng không có khả năng giải ngân năm nay.
Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều (tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng - PV) vẫn còn vướng mắc liên quan thẩm quyền thuộc Chính phủ và các cơ quan trung ương.
Về công tác giải phóng mặt bằng, có 55 dự án đang vướng mắc và 41 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch…
Thay thế cán bộ yếu kém
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 6, UBND TP sẽ đi kiểm tra từng dự án, từng nhà thầu, xử lý các đơn vị thi công chậm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trước mắt, ông Mãi yêu cầu các sở ban ngành, đơn vị, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung tối đa cho công tác này.
Ông đề nghị phải tập trung làm với tinh thần trách nhiệm cao, phải có sự tự ái, phải làm chứ không cần ai đi kiểm tra, xử lý kỷ luật thì mới làm.
Qua đó, ông Mãi giao Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tháng này sẽ đi kiểm tra các dự án, đánh giá trách nhiệm của từng đơn vị để xử lý cụ thể.
Riêng với dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi, ông Mãi sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó, trong tháng 3, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã ký quyết định ban hành Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Qua đó, yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức có chế tài và xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.
Đồng thời, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Các địa phương quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Các chủ đầu tư dự án phải tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân đầu tư công; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng; giải quyết các vướng mắc…
TPHCM đặt ra các mốc giải ngân cụ thể, đến hết quý 2 đạt 20,6% kế hoạch vốn, đến quý 3 là 54% và đến hết quý 4 là từ 95% trở lên. |