Vì sao trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người thông qua muỗi đốt, không lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh. Muỗi truyền bệnh có tên khoa học là Aedes Agyptie (muỗi vằn vì có những vằn trắng đen trên chân và thân của muỗi).
Sốt xuất huyết gây bệnh ở cả người lớn và trẻ nhỏ, nguy cơ biến chứng cao trên những bệnh nhân cơ địa đặc biệt, béo phì, có bệnh nền… Bệnh lưu hành phổ biến ở phía Nam, vào mùa mưa, có chu kỳ 3-4 năm bùng phát dịch một lần.
Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh do bản tính hiếu động, ham chơi nên thường chơi đùa ở cả những nơi tối, vườn cây,… có nhiều muỗi. Trẻ chưa có ý thức phòng ngừa nên nguy cơ càng cao hơn.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết diễn tiến theo 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm, hồi phục.
Giai đoạn sốt: Sốt có thể nhẹ hoặc sốt cao, đáp ứng với thuốc hạ sốt kém khiến phụ huynh sẽ rất lo lắng. Trẻ sốt kèm theo triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau sau hốc mắt, chán ăn, cảm giác buồn nôn. Đôi khi có những chấm xuất huyết dưới da.
Giai đoạn nguy hiểm: Sau 3 ngày sốt, nhiệt độ giảm dần, trẻ có thể thấy khoẻ hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi hơn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, và nôn sau ăn uống.
Trường hợp nặng hơn có biểu hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiêu tiểu có máu, li bì, vật vã, tay chân lạnh, nổi bông, sốc và truỵ tim mạch... Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất.
Giai đoạn hồi phục: Từ ngày thứ 6 trở đi, trẻ tỉnh táo hơn, ăn ngon miệng, thèm ăn, da nổi những mảng đỏ hồi phục, ngứa.
Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, 90% trẻ mắc bệnh có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. 10% còn lại cần nhập viện điều trị, trong đó sẽ có trẻ nặng và rất nặng. Đối tượng nguy cơ là trẻ dư cân, béo phì, bệnh nền tim mạch, thận, gan, não...
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Khi trẻ sốt trên 2 ngày, phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện khám, xét nghiệm và ghi nhớ các dấu hiệu nặng cần khám ngay. Các biểu hiện nặng cần đưa đến bệnh viện gồm: chảy máu, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen, đau bụng, li bì, vật vã...
Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh diễn tiến rất nhanh. Nếu trẻ rơi vào sốc xuất huyết, trụy tim mạch mà không kịp hồi sức, trẻ có thể tử vong.
Cách chăm sóc trẻ đúng cách khi trẻ bị sốt xuất huyết
- Uống thuốc hạ sốt với paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần cho mỗi lần sốt, cách nhau mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại. Không cho trẻ uống hạ sốt liên tục vì nguy cơ tổn thương gan.
- Không cho trẻ uống kháng sinh vì đây là bệnh do virus, kháng sinh không có tác dụng.
- Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen vì dễ gây xuất huyết nặng.
- Cho trẻ uống nhiều nước, chia làm nhiều lần. Uống nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây. Hiệu quả của bù nước đủ sẽ biểu hiện bằng việc trẻ đi tiểu thường hơn, mỗi 3 - 6 tiếng đi tiểu 1 lần và nước tiểu trắng trong là đủ.
- Không cho trẻ uống nước có màu đen hoặc đỏ, gây khó khăn xác định nếu trẻ xuất huyết.
- Ăn đồ mềm, đồ lỏng, dễ tiêu, với lượng ít một, nhiều bữa trong ngày. Phụ huynh không ép trẻ ăn nhiều vì cơ thể mệt, dễ nôn ói, khó tiêu.
- Tắm rửa bình thường, mặc đồ thoáng mát cho trẻ.
- Không cạo gió, không truyền dịch cho trẻ tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện. Khi có dấu hiệu nặng, trẻ phải được chuyển đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.
Phú Sĩ