Liên minh CoMeet được thành lập tháng 4/2020 với mục đích góp phần đem đến những giải pháp hiệu quả, an toàn, bảo mật, tự chủ công nghệ và được thiết kế tùy biến theo yêu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong bối cảnh nhiều đơn vị chuyển sang mô hình làm việc online, từ xa.
Bên cạnh 5 thành viên sáng lập gồm CMC TS, NetNam, iWay, FDS và DQN, liên minh doanh nghiệp Việt này vừa công bố kết nạp thêm một thành viên hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin là công ty CyRadar.
Chia sẻ về lý do tham gia liên minh, CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức nhận định, đây là một thị trường tiềm năng do nhu cầu họp, làm việc và học trực tuyến của các doanh nghiệp, tổ chức đã thay đổi.
CyRadar ủng hộ mô hình các doanh nghiệp với các thế mạnh khác nhau, cùng hợp tác trong một liên minh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cung cấp cho khách hàng. “Là một công ty cung cấp giải pháp an toàn thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức (B2B), thông qua Liên minh, CyRadar cũng có cơ hội để triển khai các giải pháp an toàn thông tin của mình đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Đức cho hay.
Cũng theo người đứng đầu CyRadar, tham gia vào liên minh CoMeet, nhiệm vụ của startup bảo mật này là phối hợp cùng kỹ sư trong liên minh đảm bảo có 1 sản phẩm an toàn, bảo mật để cung cấp cho các khách hàng. Ngoài ra, kể cả khi khách hàng gặp các sự cố ở các hệ thống CNTT khác, CyRadar cũng sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, giám sát, xử lý các sự cố đó.
Chùm giải pháp hỗ trợ họp online trên nền Jitsi được liên minh CoMeet công bố chính thức ngày 19/4 vừa qua; bao gồm từ các giải pháp tư vấn, thiết kế theo nhu cầu, triển khai trên hạ tầng sẵn có của khách hàng. Chi phí các gói giải pháp dành cho tổ chức, doanh nghiệp ước tính từ 349 triệu đồng cho một lần triển khai và bảo trì, cập nhật nâng cấp phiên bản, hỗ trợ kỹ thuật trong 1 năm đầu tiên. Các năm sau chỉ phát sinh chi phí dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật nếu cần, không có chi phí bản quyền phần mềm.
Trao đổi với VietNamNet ngày 27/4, đại diện CoMeet cho biết, sau khi liên minh công bố trên website, nhận được sự bảo trợ của Bộ TT&TT và Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), sự đồng hành của Cục Tin học hóa, CoMeet đã nhận được phản hồi khá tích cực của thị trường.
Cụ thể, một số bộ và cơ quan trực thuộc bộ đã đề nghị các thành viên trong CoMeet cài đặt trên hạ tầng dùng riêng và triển khai các buổi họp trực tuyến của nhiều cơ quan trên hệ thống. Đến nay, hầu hết các cơ quan đều đánh giá chất lượng dịch vụ tốt và chuẩn bị lập kế hoạch thuê dịch vụ theo quy định của pháp luật về đầu tư ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, cũng đã có một số tập đoàn, tổng công ty liên hệ với CoMeet để triển khai thử nghiệm.
Tuy vậy, hiện nay có một số ý kiến cho rằng quy định cách ly xã hội đã được nới hơn và vì thế cơ hội phát triển thị trường của các giải pháp họp trực tuyến đã hẹp hơn. Về vấn đề này, đại diện liên minh CoMeet chia sẻ, trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp, các cơ quan, doanh nghiệp đã làm việc từ xa và từ đó hình thành thói quen sử dụng các công cụ như họp trực tuyến.
“Chúng tôi cho rằng không phải là làm hẹp thị trường khi hết thời gian giãn cách xã hội mà chính là mở rộng thị trường lên rất nhiều so với trước thời gian đại dịch diễn ra. Liên minh tin tưởng thời gian tới thị trường dịch vụ họp trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh không chỉ dùng cho thời gian chống lại đại dịch mà sẽ hình thành thói quen làm việc mới với phương thức chuyên đổi số mạnh mẽ hơn”, đại diện liên minh CoMeet nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch thời gian tới, đại diện CoMeet cho hay, liên minh sẽ tiếp tục mở rộng danh mục dịch vụ của mình, bao gồm tích hợp với nhiều hệ thống như các hệ thống họp trực tuyến có sẵn của các hãng như Polycom, Cisco và cũng sẽ cung cấp thêm giải pháp phần cứng để hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ của mình.
Đại diện CoMeet cũng khẳng định, các dịch vụ do thành viên liên minh cung cấp sẽ đáp ứng tiêu chuẩn và cam kết chất lượng dịch vụ (SLA), chú trọng an toàn, an ninh thông tin để sẵn sàng cung cấp cho thị trường trên diện rộng.