Biến đổi khí hậu đang diễn biến theo chiều hướng xấu, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên toàn cầu, tăng các chất ô nhiễm trong khí quyển, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng này, hàng loạt cơ chế giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã ra đời và dần trở thành xu hướng tại các nhóm quốc gia có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn về môi trường đối với hàng hóa hay sản phẩm nhập khẩu như khối EU, Hoa Kỳ…
Xu hướng này tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành công nghiệp phát thải carbon chính tại Việt Nam, trong đó có ngành thép, từ đó đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nếu kịp thời nắm bắt, ứng dụng công nghệ theo hướng xanh hoá vào sản xuất thép nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Quá trình chuyển đổi xanh trong các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là ngành thép - vật liệu then chốt trong nhiều ngành công nghiệp là một thách thức lớn của Việt Nam, không chỉ với các nhà sản xuất, các đơn vị thương mại mà còn trong vấn đề kiểm soát tiêu thụ, cả về chất lượng, số lượng và giá thành sản phẩm. Là một trong những tổng đại lý phân phối có tiềm lực tài chính vững mạnh tại Việt Nam, kế thừa mạng lưới đối tác uy tín tại hơn 100 quốc gia và 30 chi nhánh trên toàn thế giới của Tập đoàn Stavian, cộng hưởng với hệ thống văn phòng, kho bãi hiện đại tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, Stavian Industrial Metal hội tụ nhiều thế mạnh để đón đầu xu hướng thị trường, từ đó phát triển 4 mô hình kinh doanh toàn diện và 15 giải pháp kinh doanh vượt trội, nhằm nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị và Triển lãm thép Đông Nam Á 2024 tại Đà Nẵng với vai trò Nhà tài trợ Kim cương, ông Nguyễn Minh Tú - Chủ tịch HĐQT Stavian Industrial Metal khẳng định doanh nghiệp sẽ không ngừng hoàn thiện, trên cơ sở khai thác toàn bộ chuỗi cung ứng thép trong nước và quốc tế để nâng cao đóng góp giá trị của ngành vào nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Đồng thời, Stavian Industrial Metal sẽ lên kế hoạch hợp tác về đầu tư sản xuất, thuê gia công, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ để có thể tăng cường khả năng và quy mô cung ứng thép xanh trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Với quan điểm kết nối và nỗ lực tập thể là chìa khóa thành công trong việc thúc đẩy tiến trình giảm phát thải carbon và phát triển bền vững, chúng tôi kêu gọi và sẽ luôn chủ động xúc tiến các cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, dữ liệu lớn liên quan tới thép xanh nói riêng và kim loại xanh nói chung”, ông Tú chia sẻ. Ông khẳng định Stavian Industrial Metal cũng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đào tạo, chia sẻ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực chuyên môn, quản lý lãnh đạo nhằm xây dựng nền tảng cốt lõi cho một nền công nghiệp sản xuất kim loại xanh và bền vững.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình chuyển mình và phát triển theo xu hướng vì một thế giới “Net-Zero Transition”, Stavian Industrial Metal luôn nỗ lực thúc đẩy ưu tiên tiêu thụ thép xanh trên thế giới một cách mạnh mẽ. Công ty dự kiến áp dụng các công nghệ hỗ trợ truy xuất, kết nối tập trung và duy trì liền mạch luồng hàng hóa, thông tin, dữ liệu từ điểm đầu tới điểm cuối sử dụng; từ đó phục vụ cho việc thu thập và tạo nền tảng dữ liệu, phân tích, đánh giá, kiểm soát giảm thiểu carbon trong suốt vòng đời sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà làm chính sách và các tổ chức có liên quan.
Chủ động nắm bắt cơ hội tăng trưởng xanh nhằm phát triển lớn mạnh trên thị trường phân phối vật liệu kim loại toàn cầu, Stavian Industrial Metal - vốn là cánh tay nối dài của các nhà máy sản xuất trong việc luân chuyển hàng hóa tới các khách hàng trên toàn cầu, hướng tới chiến lược kinh doanh dài hạn, là ưu tiên thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm kim loại xanh nói chung và thép xanh nói riêng, qua đó góp phần vào nỗ lực thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Lệ Thanh