Cụ thể, đại diện Microsoft cho biết, sự cố “màn hình xanh chết chóc” vừa qua có liên quan đến một thỏa thuận năm 2009 của Ủy ban châu Âu, trong đó yêu cầu nhà sản xuất Windows phải cung cấp quyền truy cập ngang hàng cho các hãng phát triển bảo mật cho hệ điều hành này.

Điều này đồng nghĩa những công ty như CrowdStrike có thể tự xây dựng các bản cập nhật cho Windows mà không nhất thiết phải báo cho Microsoft. 

Ngày 19/7, khoảng 8,5 triệu thiết bị chạy hệ điều hành Windows trên khắp thế giới gặp lỗi màn hình xanh, sau khi công ty bảo mật CrowdStrike phát hành bản cập nhật chưa được thử nghiệm kỹ.

hero image.jpeg
Sự cố màn hình xanh gây ra bởi CrowdStrike bắt nguồn từ một bản cập nhật phần mềm chưa được kiểm thử kỹ càng. Ảnh:  Mashable

“Microsoft đang muốn nói rằng họ không thể làm gì được để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra”, trích nhận định của Apple Insider.

Trong khi đó, Apple lại có chính sách hoàn toàn khác. “Nhà táo” kiểm soát toàn bộ các bản cập nhật do bên thứ ba phát hành. Kể từ năm 2020, nhà sản xuất iPhone đã thông báo các nhà phát triển bảo mật sẽ không còn “quyền truy cập lõi phần mềm”.

Trên mạng xã hội X, CrowdStrike thông báo đã có tiến triển trong việc khắc phục hậu quả sự cố công nghệ thông tin (CNTT) được xem là “lớn nhất lịch sử”.

“Trong xấp xỉ 8,5 triệu thiết bị Windows bị tác động, một lượng đáng kể đã khôi phục và hoạt động lại”, công ty Mỹ viết.

CrowdStrike nói thêm, đang thử nghiệm phương thức mới để “tăng tốc khắc phục hệ thống bị ảnh hưởng” và nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận kỹ thuật này.

Trên LinkedIn, Giám đốc An ninh Shawn Henry của CrowdStrike tiếp tục gửi lời xin lỗi về sự cố. Ông gọi 48 giờ vừa qua là thời gian khó khăn nhất trong hơn chục năm ông làm việc tại đây. Vụ việc khiến công ty nhanh chóng mất đi niềm tin của khách hàng mà họ dành nhiều năm xây dựng.

“Chúng tôi đã làm cho những người mà chúng tôi cam kết bảo vệ thất vọng, và để nói rằng chúng tôi bị suy sụp còn là nói giảm nói tránh”, Henry viết trên LinkedIn.

Theo công ty dữ liệu bay OAG, hơn 9.600 chuyến bay khắp thế giới bị hủy kể từ ngày 19/7, với hãng hàng không Delta Air Lines chiếm gần một nửa. CEO Delta Ed Bastian chia sẻ, sự cố ảnh hưởng đến một ứng dụng quan trọng trong hệ thống CNTT của mình.

(Theo Bloomberg, Apple Insider)