Trong hợp tác quốc tế, văn hóa được coi là một phương sách thể hiện sự hội nhập. Khi ASEAN được thành lập, một trong ba trụ cột được nhắc đến là Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
ASEAN có đến hàng trăm dân tộc khác nhau với những phong tục, tập quán khác nhau. Trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khu vực Đông Nam Á có cấu trúc tộc người đa dạng và phức tạp nhất.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học, Myanmar có tới hơn 130 đơn vị tộc người; Việt Nam có 54 dân tộc, Thái Lan có khoảng 40 tộc người; Lào có 48… Về ngôn ngữ, ở Indonesia có tới 300 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau; ở Philippines có hơn 90 nhóm địa phương thuộc nhiều tộc người khác nhau và ở Malaysia, cơ cấu tộc người bản địa sống rải rác trên khắp các vùng đất. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN còn có sự đa dạng về tôn giáo. Những tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á.
Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN đã diễn ra tại Campuchia cuối năm 2022 đã đưa ra những con số đầy hy vọng về sự hợp tác trong khu vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, ASEAN đã triển khai được 72% trong Trụ cột Văn hóa-xã hội, 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của Trụ cột Chính trị-An ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế.
Sự đa dạng văn hóa trong khu vực đã và đang mang lại nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Sức sáng tạo và tài sản văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực hàng thủ công, công nghiệp văn hóa là nguồn tài sản vô biên. Mỗi năm, chỉ riêng lĩnh vực này đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến thăm quan và mua sắm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020 và Tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn.
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia. Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xây dựng và phát triển một số Liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam.
Phối hợp triển khai các Tuần Văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam;... Đặc biệt, trong hiện tại và tương lai gần, các nhiệm vụ này sẽ được ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm như: Nhóm địa bàn có quan hệ truyền thống lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khối ASEAN trong đó ưu tiên việc xây dựng và phát huy cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN…
Tham gia hội nhập ASEAN Việt Nam có điều kiện khai thác tối đa những thuận lợi để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển đất nước.
Nhóm PV