Chính sự mất lòng tin đã dồn cử tri Mỹ đến mức phải thích thú với sự “chân thật” lạ lẫm của Trump, dù sự “chân thật” ấy có ngốc nghếch, thậm chí xấu xí cỡ nào đi chăng nữa.

Nước Mỹ vừa khép lại ngày Siêu Thứ Ba – ngày bầu cử sơ bộ của một loạt tiểu bang với phần thắng đậm nghiêng về tỉ phú Donald Trump (Đảng Cộng Hòa).

Còn nhớ, khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử Tổng thống, không ai xem ông ta là một đối thủ nặng ký. Thế nhưng, sự ủng hộ dành cho ông ngày càng cao, bằng chứng là cử tri nhiều bang đã bầu cho Trump đông kỷ lục.

Tính đến nay,  Donald Trump đã thắng đậm ở 10/15 bang. Thú vị là, chưa một ứng viên Cộng Hòa nào trong lịch sử hiện đại giành chiến thắng với tỉ lệ cao như vậy. Kết quả này khiến công luận sôi sục với câu hỏi: Vì sao một người với tư tưởng kỳ thị chủng tộc và giới tính, vì sao một người có xu hướng bạo lực và trình độ ngôn ngữ chỉ ngang ngửa một học sinh tiểu học như Trump lại có thể được đón tiếp nhiệt liệt đến vậy?

Câu trả lời của tôi là, cử tri bầu cho Trump chủ yếu vì chán ghét Washington và hệ thống chính trị hiện tại. Thêm nữa, những tư tưởng vô lý của Trump vốn vẫn tiềm ẩn trong tâm trí một bộ phận cử tri bấy lâu, chỉ chờ một người đại diện để thể hiện ra mà thôi.

Trong mắt cử tri Mỹ, Washington luôn là nơi các chính trị gia và giới vận động hành lang bảo vệ lợi ích chính trị của mình thay vì làm việc cho cử tri. Họ tin rằng chính trị gia là những người không dám nói thẳng, nói thật, đôi khi quay lưng với cử tri để giữ các lợi ích chính trị của mình.

Đặc biệt, sau những lần chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì Quốc hội không thể thông qua ngân sách, hay việc Đảng Cộng Hòa quyết ngăn cản không cho Tổng thống Obama đề cử Thẩm phán Tối cao Mỹ vì sợ thiệt hại cho Đảng mình...chính trường Washington hiện rõ trong mắt người Mỹ là những người “chỉ biết ăn lương và không làm được gì”.

{keywords}
Từ hiện tượng nổi lên của Donald Trump cho thấy, hơn khi nào hết, cử tri Mỹ đang rất “đói” một ứng viên Tổng thống có thể giúp cử tri Mỹ nói lên nỗi lòng. Ví dụ như chuyện không ngại đưa ra lời lăng mạ phụ nữ hay nhục mạ đối thủ chính trị, không ngần ngại lăng mạ những người nhập cư là “những kẻ nhập cư Mexico là những kẻ hiếp dâm”…

Có thể những câu này sẽ làm tổn thương một số phụ nữ, một số đối thủ chính trị, hay toàn bộ những người nhập cư gốc Mỹ Latin, nhưng ít ra hàng triệu cử tri đã đánh đồng sự lỗ mãng này với sự “thành thật”. Họ có thể không đồng tình với những ý kiến của Trump, nhưng họ thèm khát một ứng viên sẵn sàng nói thật điều mình nghĩ thay vì nói vòng nói vo, nói né tránh để nghe “đàng hoàng” (politically correct).

Nói cách khác, chính sự mất lòng tin đã dồn cử tri Mỹ đến mức phải thích thú những sự “chân thật” lạ lẫm của Trump, dù sự “chân thật” ấy có ngốc nghếch, có xấu xí cỡ nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, nếu chỉ dùng lý do “người Mỹ không tin tưởng Washington” để giải thích hiện tượng của Trump thì vẫn chưa đủ. Bởi Đảng Dân Chủ cũng có một ứng viên chân thành và dễ tin tưởng, nhưng ứng viên này không tạo được hiện tượng như Trump. Bằng chứng là lượng cử tri Dân Chủ đi bầu đã sụt giảm nhiều (từ 25%-50%), trong khi con số phía Cộng Hòa đã tăng lên mức kỷ lục.

Vì vậy, theo quan sát của tôi, ông Trump đang nổi như cồn còn vì nhiều cử tri Cộng Hòa vốn đã có những tư tưởng cực đoan như Trump.

Dường như Donald Trump chính là người châm ngòi cho sự trỗi dậy của những tiềm ẩn xấu xí này. Bằng cách công khai thừa nhận những tư tưởng này trong những diễn văn của mình, Trump đã khiến nhiều cử tri Mỹ vốn giấu tư tưởng này bấy lâu thì nay tìm được sự đồng cảm, kích động. Điều này cũng giống như trong một lớp học, nếu bạn là người duy nhất khác đáp án với mọi người còn lại, bạn sẽ không dại gì nói ra đáp án của mình. Nhưng nếu có khoảng 30% của lớp cùng đáp án với bạn, thì bạn sẽ rất mạnh dạn nói ra, dù đáp án đó thực ra là đáp án sai.

Mới đây, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cựu Hiệu trưởng ĐH Harvard Larry Summers đã gọi Trump là “nguy cơ cho nền dân chủ của nước Mỹ”. Ông nói: “Hoa Kỳ đã luôn được dẫn dắt bởi sự thống trị của các ý tưởng, chứ không phải bởi ý tưởng thống trị”. Cũng như Larry Summers, nhiều người Mỹ đang càng ngày càng lo về khả năng Donald Trump có thể thành Tổng thống.

Ai cũng ngạc nhiên bởi hiện tượng Trump, và tôi cũng thế. Nhưng khi suy nghĩ kĩ lại, tôi thấy hiện tượng Trump không có gì đáng ngạc nhiên. Những gì chúng ta đang thấy bắt nguồn những tư tưởng xấu xí luôn vốn tiềm ẩn trong tâm trí của một bộ phận cử tri và đang ngày càng được hun đúc bởi những bất ổn trong và ngoài nước Mỹ.

Trump, suy cho cùng, cũng chỉ là một cái cớ cho sự trỗi dậy này mà thôi.

Châu Thanh Vũ

Vượt qua hàng trăm đối thủ, Châu Thanh Vũ trở thành một trong số ít người giành được học bổng tiến sĩ kinh tế toàn phần tại đại học Harvard, Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong bảng thành tích đồ sộ của chàng trai quê Ninh Thuận.

- Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009.

- HCB Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 10, HCV Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 11. Giải Nhì HSG Tin học TP.HCM năm 2009.

- Giải Nhì HSG Tin học Quốc gia năm 2009.

- Học bổng toàn phần tại trường Liên kết Thế giới UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011.

- Học bổng toàn phần tại 7 trường ĐH của Mỹ, một ở Đức và một ở Canada.

- Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế - chính trị tại Nhật Bản năm 2012.

- Học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 2013.

- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập hè 2014.

- Làm việc ở khoa nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tại thủ đô Pretoria năm 2014.

- Danh hiệu sinh viên năm 3 xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton.

- Học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế tại 8 trường của Mỹ.