Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam về những nút thắt cơ chế cần “gỡ” cho Thủ đô. 

luat su quang.jpg
Luật sư Nguyễn Hưng Quang

Người dân quan tâm tới thu nhập, nhà ở

Thưa luật sư, từ thực tiễn hành nghề cùng việc nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo ông nội dung nào của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân?

Theo tôi có nhiều nội dung tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, trong đó có thể kể đến các nội dung:

Phát triển đô thị và nhà ở (như phát triển đô thị mới, xây dựng nhà ở cho người cho thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ…).

Cải tạo, chỉnh trang đô thị để Hà Nội trở nên khang trang, văn minh, hiện đại nhưng bảo tồn được nét riêng về kiến trúc đô thị (phố cổ, phố cũ, phố có những nét đặc trưng kiến trúc phương Tây).

Bảo vệ môi trường (như ô nhiễm không khí trong khu vực nội đô).

Văn hoá, thể thao và giáo dục (khu vực vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao, phát triển giáo dục cho xứng đáng với địa phương dẫn đầu cả nước và tiếp cận với sự phát triển của thế giới).

Y tế và an sinh xã hội (hệ thống y tế đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu và xử lý những vấn đề về y tế ở cơ sở và y tế chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, vấn đề nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp, đồng bào thiểu số, người cao tuổi).

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm tạo cơ hội việc làm cho người trẻ tuổi và thu hút lao động chất lượng cao. Vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn (ví dụ tăng gấp đôi mức xử phạt) và các biện pháp khác.

Luật sửa đổi cần giải quyết các bất cập

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 7/2013, tức là cũng đã hơn 10 năm, bên cạnh những thuận lợi, quá trình thi hành đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Theo ông, sửa đổi Luật Thủ đô cần tập trung giải quyết những bất cập nào?

Sửa đổi Luật Thủ đô cần tập trung giải quyết khá nhiều vấn đề bất cập. Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, dự thảo Luật đã thể chế hóa các quy định trên nguyên tắc bám sát 9 chính sách.

Những chính sách này cũng phù hợp với tinh thần của một số nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, 9 chính sách gồm:

Tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.

Cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển của Thủ đô.

Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục - đào tạo Thủ đô.

Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.

Cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về KTXH, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

thu do pt.jpg
Sửa đổi Luật Thủ đô để tạo điều kiện đặc thù, vượt trội về cơ chế cho Thủ đô Hà Nội phát triển.

Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua?

Ngoài các biện pháp về quy hoạch, giải pháp phát triển khác, Luật Thủ đô là một biện pháp pháp lý để tạo điều kiện hiện thực hoá mong muốn đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực được đề ra trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Như tôi đã đề cập, 9 nhóm chính sách của Luật Thủ đô không chỉ giải quyết những vấn đề bất cập mà còn đưa ra các giải pháp pháp lý để tạo điều kiện đặc thù, vượt trội về cơ chế cho Thủ đô phát triển.

Ví dụ như muốn đạt được mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển” thì cần thiết phải có quy định đặc thù về công tác quy hoạch và bảo đảm quy hoạch, khai thác và quản lý đất đai, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng (đường sắt đô thị nên là vấn đề trọng tâm) để có thể giải quyết được các vấn đề phát triển đô thị, tắc đường, ô nhiễm không khí, khai thác quỹ đất hiệu quả, chính sách về nhà ở, đô thị văn minh hiện đại…

Những quy định đang được đề xuất ở dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tập trung giải quyết bài toán cho một đô thị lớn của đất nước, thủ đô của một quốc gia.

Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tôi hy vọng giải pháp pháp lý này cùng với các giải pháp khác về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội sẽ giúp cho Hà Nội có thể đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Vân Anh